Ông Lê Ngọc Minh (ở giữa) cùng bạn đến thăm nhà của Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành năm 1967.
Đã bước sang tuổi 74 nhưng những ký ức một thời sống và học tập tại Triều Tiên vẫn rất đậm nét trong tâm trí người đàn ông mái tóc đã chuyển màu.
Võ sư Lê Ngọc Minh (hiện ở Cầu Giấy, Hà Nội), nguyên trưởng bộ môn võ thuật Ủy ban Thể dục thể thao Việt Nam, chia sẻ, ngay từ năm thứ 3 học ở Bình Nhưỡng, ông đã phải lòng một thiếu nữ Triều Tiên, nhưng phải chôn giấu tình cảm đó vì không bước qua nổi những quy định ở nước này.
"Người Triều Tiên rất chân tình và hiền lành. Tuy nhiên, họ cũng là những người rất sắt đá. Kỷ luật đã ban hành, mọi người đều phải răm rắp nghe theo. Nếu lỡ yêu nhau mà bị phát hiện, chắc chắn tôi sẽ bị đuổi về nước", ông Minh kể.
Đầu năm 1967, ông Lê Ngọc Minh là một trong 200 du học sinh Việt Nam được chọn sang Triều Tiên học tập. Sau một năm học dự bị và trải qua một kỳ thi tốt nghiệp tiếng Triều rất nghiêm ngặt, chàng thanh niên người Việt được phân công vào học tại Đại học Võ bị Bình Nhưỡng.
Năm đầu tiên, Minh phải trải qua vô số bài học thể luyện, chạy lên xuống núi từ 5km đến 10km, tập ngã, tập ngâm mình trong nước nóng, nước lạnh..., tưởng như có lúc không vượt qua nổi.
Học đại học Võ bị nhưng Minh lại ở ký túc xá của các sinh viên học văn hóa nghệ thuật. Ở đây có rất đông các nữ sinh Triều Tiên. Là nam giới, họ bị cấm đến phòng bạn nữ chơi. Thế nhưng, những lần gặp gỡ nơi cầu thang và nhiều lần trò chuyện khi đi bộ đến trường, ánh mắt chạm nhau, những rung động dễ đến với chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi.
"Các bạn nữ Triều Tiên rất có cảm tình với con trai Việt Nam vì chúng tôi hòa đồng, thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ người khác giới", ông Minh kể.
Từ năm thứ 3 đại học, chàng trai trẻ người Việt đã phải lòng một nữ sinh trường múa tên Kim Sin U. Trong trí nhớ của vị võ sư, đó là một thiếu nữ xinh đẹp, da trắng, mắt một mí trong veo và khóe miệng cười rất duyên. Lần nào từ quê lên, Kim Sin U cũng biếu Minh hoa quả, kèm với ánh nhìn chất chứa yêu thương.
Một buổi chiều thứ sáu, khi gặp dưới chân cầu thang ký túc xá, cô gái Triều Tiên dúi vào tay chàng trai Việt một lá thư. Bất ngờ lẫn lo sợ, Minh tìm một căn phòng vắng, kín đáo mở thư ra đọc.
"Thư ngắn nhưng lời lẽ rất thân thiết, đầy vẻ yêu thương. Tôi run lên vì xúc động, là con trai mới lớn, được yêu thật không có hạnh phúc nào bằng", vị võ sư mái tóc ngả bạc kể lại những rung động đầu đời.
Tuy nhiên, vì quy định cấm quan hệ nam nữ, Minh đọc đi đọc lại những nét chữ của người thương rồi run rẩy cầm bật lửa đốt. "Đã trải qua một chặng đường khó khăn như vậy mà không kìm nén những rung động cá nhân, tôi sẽ phải đánh đổi tất cả", ông Minh tâm sự.
"Những lần sau thấy Kim, tôi cố tình lảng tránh. Nhìn thấy ánh mắt buồn bã của cô ấy, tôi vô cùng xót xa", võ sư Lê Ngọc Minh viết trong cuốn hồi ký của mình.
Ngày về nước, rất đông bạn bè đến tận sân ga Bình Nhưỡng tiễn Minh. Lẫn trong đám đông đó, anh nhận ra Kim Sin U đang đứng từ xa, lặng lẽ nhìn về phía mình. Anh len về phía trước, nắm lấy bàn tay người con gái Triều Tiên và gói vào tay cô một mảnh giấy nhỏ rồi vội vã bước lên tàu.
Trong bức thư, chàng trai gửi cô gái 4 câu thơ như một lời xin lỗi: Hoa chưa nở tạm biệt người thân/ Lưu luyến nhìn theo nhắn mấy vần/ Tình bạn từ đây vun xới nhé/ Dù trong tưởng tượng cũng là thân.
Năm 1992, khi đưa đoàn Việt Nam sang Triều Tiên thi đấu Taekwondo, ông Minh có dịp thăm lại ký túc xá nơi mình từng học tập. Những ký ức năm nào trỗi dậy, nhưng tung tích của người xưa ông không dám hi vọng và cũng không còn ai để chắp nối lại.
Năm 2015, Lê Ngọc Minh dành 4 trang viết trong cuốn hồi ký để kể những xao xuyến của tuổi đôi mươi tại mảnh đất Triều Tiên.
Ông Lê Ngọc Minh được cấp bằng đỏ, lên đẳng võ sư đai đen sau năm 5 học tập tại Triều Tiên.
"Ngày xưa Minh là người rất trẻ, khỏe mạnh và đẹp trai. Có rất nhiều phụ nữ Triều Tiên để ý cậu ấy, nhưng vì những quy định khi sang đây du học nên cũng chẳng dám yêu đương gì", tiến sĩ Toán học Vũ Thiện Bản, người cùng du học tại Bình Nhưỡng với võ sư Lê Ngọc Minh khi đó, kể.
Theo ông Bản, trước khi lên đường sang Triều Tiên du học, các thanh niên Việt Nam được chọn đều phải viết một bản cam kết. Một trong số các cam kết đó là không được có quan hệ yêu đương với phụ nữ Triều Tiên. Thời ấy, khi ra phố, phải có ít nhất 2 người cùng giới. Nếu một nam, một nữ có nhu cầu ra ngoài, buộc phải có người thứ 3 đi cùng để giám sát. Cựu sinh viên trường đại học Tổng hợp Kim Nhật Thành cho biết, suốt 6 năm sống và học tập tại Triều Tiên, ông chưa một lần nhìn thấy đôi nam nữ nào ngồi cùng nhau ở nơi công cộng.
Võ sư Minh đến chúc mừng đám cưới của ông Phạm Ngọc Cảnh và bà Ri Yong Hui tại Hà Nội ngày 13/12/2002.
Cũng như ông Minh, ngay từ năm thứ 2 đại học, ông Vũ Thiện Bản đã siêng lên thư viện trường vì phải lòng nàng thủ thư. Tuy nhiên, tình yêu của chàng du học sinh với thiếu nữ Triều Tiên xinh đẹp cũng chỉ dừng lại những câu chuyện rất đỗi vu vơ.
Với những người như ông Bản hay võ sư Minh, việc ông Phạm Ngọc Cảnh vượt qua quy định cấm kết hôn với công dân nước ngoài của Triều Tiên để cưới bà Ri Yong Hui là điều quá đỗi bất ngờ. Ông Minh cho biết, cái kết của cặp đôi Việt - Triều ngoài sức tưởng tượng của mình.
"Đây thật sự là mối tình rất đáng khâm phục, một tình yêu mãnh liệt và dũng cảm của một trái tim đầy nội lực mà một võ sĩ vật như tôi cũng không có được", võ sư Minh nói.
Theo
vnexpress