Chị Hạnh Dung thân mến,

Tôi và người yêu đã quen nhau được 1 năm, đều chỉ là những người làm công ăn lương bình thường. Dù lương chỉ đủ sống, tôi còn phải phụ lo cho cha mẹ và em út, nhưng tôi vẫn thường xuyên đưa cô ấy đi ăn, và mua cho cô ấy những món quà nho nhỏ.

Từ lâu tôi nghĩ rằng, mình chọn người cùng hoàn cảnh với mình thì sẽ bình yên hơn. Hôm qua sinh nhật cô ấy, được cô ấy thông báo trước sẽ đi ăn sinh nhật cùng bạn bè, tôi đã chuẩn bị một món quà trị giá cũng khoảng gần 1 triệu và một bông hồng. Tôi nghĩ cô ấy sẽ rất vui.

Không ngờ khi thấy tôi đưa quà, cô ấy xị mặt ra. Tối về cô ấy nhắn tôi là quen tôi, cô ấy không bao giờ được nở mày nở mặt với bạn bè. Sinh nhật người yêu cả năm mới có một lần, mà không mua được bó hồng cho tử tế, "làm em xấu mặt với bạn bè".

Rồi cô ấy còn bảo: "Đi ăn sinh nhật em, có bạn bè, bữa ăn cũng chỉ có vài triệu mà anh để cho em tự thanh toán, đến cả khi bạn em nói là anh Hoàng phải là người chủ chi chứ hả, anh cũng im lặng. Thật là xấu mặt".

Tôi đọc tin nhắn của cô ấy mà tê tái. Với một người lương chỉ có 7 triệu đồng như tôi, còn phụ cha mẹ già nuôi đứa em đang học đại học trên này, món quà đó với tôi cũng là sự cố gắng. Hoa thì chưng hôm trước hôm sau đã vứt, nên mua tượng trưng thôi là được rồi. Thế mà em còn trách móc, coi thường món quà của tôi.

Tôi nên trả lời em như thế nào, xin chị Hạnh Dung tư vấn cho tôi ạ.

Hoàng Tùng

leftcenterrightdel
 

Bạn Hoàng Tùng thân mến,

Giá trị của một món quà nằm ở rất nhiều điều bạn ạ. Đầu tiên, tất nhiên nó là giá trị bằng tiền mà người ta mua nó. Sau đó, nó có giá trị bằng tấm lòng của người mua nó.

Với tấm lòng của người mua nó, món quà dù có thể chỉ là một, hai đồng, nhưng nó sẽ mang giá trị cao hơn rất nhiều, khi người tặng mua nó bằng tất cả tấm lòng yêu thương dành cho người nhận. Giá trị đó không thể tính bằng tiền được.

Tất nhiên, giá trị của nó còn cao hơn, khi đó là những gì lớn nhất mà người mua có thể nhín ra từ những khó khăn, thiếu thốn hy sinh của mình.

Giá trị thứ ba được ra đời là từ đánh giá của người nhận quà. Khi người ta hiểu ý nghĩa của món quà, tình cảm của người tặng, thì người ta sẽ không nhìn vào cái giá thực tính bằng tiền của món quà. Người ta sẽ chỉ thấy giá trị lớn lao của tình cảm đó.

Đó là lý do vì sao có những người giữ gìn nâng niu một chiếc kẹp tóc, một cây bút, cuốn sổ tới hàng chục năm trời. Tất cả những giá trị này không thể ảnh hưởng đến nhau. Người mua không làm tăng hay giảm giá trị thật bằng tiền. Và giá trị đó không có ý nghĩa gì với giá trị trong trái tim của người tặng.

Điều quan trọng là, cả người tặng và người được tặng cần phải đánh giá lại những gì họ có chung, chia sẻ chung với nhau. Nó đã đủ tạo thành một chiếc cầu nối liền mạch của hai trái tim hay chưa?

Nếu nhận thấy những giá trị quá khác nhau, thì người ta cũng nên cố công chỉnh sửa một lần, để hai đầu có thể tiến về phía nhau và gặp nhau ở giữa. Còn nếu không thể sửa chữa thì buông nó với một nhận thức nhẹ nhàng: Chúng ta không dành cho nhau vậy.

Theo phụ nữ TPHCM