Chị lấy chồng miền Nam nên xa biền biệt nên rất ít thời gian gần gũi mẹ. Chị cũng chưa từng mảy may nghĩ trong đầu mẹ sẽ để lại gì cho con cái… Mẹ đã cho con cái quá nhiều. Cả tuổi thanh xuân mẹ chưa một ngày sống cho mình, chỉ lam lũ kiếm tiền nuôi 3 đứa con ăn học.

Chị chỉ mong mẹ sống phần đời còn lại thật an vui, hạnh phúc, vậy là chị mãn nguyện. Vậy nên khi mẹ nói đến tờ di chúc, chị chẳng mấy quan tâm. Mẹ cũng nói rằng, mẹ chẳng có tài sản gì để chia cho các con, chỉ có vài trăm triệu đồng dành dụm được, mà lỡ cho người ta mượn chưa trả.

Chị nghe mà ngỡ ngàng. Hóa ra, bao lâu nay chị và 2 đứa em thỉnh thoảng gửi tiền về cho mẹ, nhưng mẹ chẳng tiêu xài gì, cứ gom góp đó rồi cho một người trong xóm mượn. Mẹ nói, mẹ có ghi rõ thông tin người mượn và số tiền ở trong di chúc "để tụi con biết mà lấy lại".

Chị rất muốn biết những dòng chữ cuối cùng mẹ viết để lại cho mấy chị em (ảnh minh họa)
 
Chị rất muốn nhìn những dòng chữ cuối cùng mẹ viết cho mấy chị em (ảnh minh họa)
 

Rồi mẹ ra đi, không quá đột ngột vì đó là căn bệnh báo trước, nhưng những đứa con vẫn cứ thất thần vì chẳng có bất cứ sự chuẩn bị nào cho nỗi mất mát quá lớn này.

Vài ngày sau đám tang, nhớ ra tờ di chúc mẹ từng nhắc đến, chị vội chạy vào phòng mẹ mở tủ kiểm tra. Ngoài thông tin người mượn tiền mà mẹ chị có đề cập, chị vẫn muốn nâng niu dòng chữ cuối cùng mẹ để lại cho mấy chị em.

Nhưng chị lục tung tủ vẫn không thấy bất cứ tờ di chúc nào. Chị còn nghĩ, có khi nào mẹ cũng kể cho 2 em, và em nào đó đang giữ tờ di chúc. Nghĩ vậy nên chị hỏi 2 người em, cả 2 đều lắc đầu không biết.

3 chị em ngồi lại, cố lục trí óc xem có tìm ra thông tin gì liên quan không. Cậu em kế kể với chị, hôm mẹ mất, dì là người dọn phòng cho mẹ, biết đâu…

Rồi đứa em út cũng cung cấp thêm thông tin liên quan đến dì. Rằng có lần cô ấy nghe dì gặng hỏi mẹ có ai nợ nần gì thì nói để dì đòi giúp cho. Chứ nằm xuống rồi biết làm sao.

Thế là thông tin về người có liên quan đến việc mất tờ di chúc được 3 chị em “khoanh vùng” lại. Nói “khoanh vùng”, nhưng thực chất đều nghĩ đến dì.

2 đứa em cử chị hỏi trực tiếp, vì biết đâu dì giữ mà lu bu việc đám tang nên chưa tiện nói? Trong ít ỏi ngày còn ở quê, chị tranh thủ hỏi dì. Không ngờ, dì trừng mắt với chị, thiếu điều muốn la lối lên rằng: “Sao tụi mày lại nghĩ dì là người như vậy?”. Thấy dì căng thẳng, chị rối rít xin lỗi.

Chị từng đọc bao câu chuyện liên quan đến di chúc mà cuối cùng là mất luôn cả tình thân. Vì tiền ư? Chị thấy không đáng! Nhưng 2 đứa em của chị thì ấm ức ra mặt. Chúng nói, sao lại có chuyện tờ di chúc không cánh mà bay như vậy? Nếu không làm cho ra, chẳng lẽ mình nghi ngờ tất cả họ hàng?  

Chị thấy bế tắc và tự trách mình. Phải chi khi mẹ nói, chị mở tủ cất tờ di chúc đi thì mọi chuyện đã êm xuôi, các em và cả chị đã chẳng rơi vào cảm xúc khó chịu này.

Chị chỉ còn biết khuyên 2 em cho qua, để nhẹ lòng, vì mẹ cũng chẳng muốn chị em mình vì số tiền ấy mà hằn học người thân.

Bức ảnh cũ gợi lại bao nhiêu ký ức tươi đẹp trong chị (ảnh minh họa)
Bức ảnh cũ gợi bao nhiêu ký ức tươi đẹp trong chị (ảnh minh họa)

 

Một buổi sáng, vào mạng xã hội, chị thấy dì đăng tấm ảnh dì và mẹ từ thời trẻ. Lúc đó, mẹ mang thai chị ở tháng cuối. Họ đang nói chuyện gì đó, không nhìn vào ống kính máy ảnh mà cười rất tươi. Bỗng dưng bao nhiêu ký ức tươi đẹp hiện về trong chị.

Có những ngày mẹ bận việc, gửi 2 chị em sang cho dì. Khi ấy, dì như một người mẹ ân cần với 2 chị em từng chút một. Rồi khi mẹ có chuyện không vui, chính dì cũng vừa là người em, vừa là người bạn thủ thỉ với mẹ. Cho đến khi mẹ nằm giường bệnh, con cái ở xa nên cũng chỉ có dì cận kề.

Dì chẳng chẳng khác nào người mẹ dịu dàng với chị thuở ấu thơ (ảnh minh họa)
Dì chẳng chẳng khác nào người mẹ dịu dàng thuở ấu thơ (ảnh minh họa)

 

Bức ảnh ấy làm chị cảm động, những hoài nghi trong lòng bỗng chốc tan biến. Chị soạn tin nhắn gửi cho dì, xin lỗi dì chuyện hôm trước. Dì nhắn lại rất nhanh, đúng cái câu dì hay nhắn với chị: “Dì thương con!”.

Chị thấy lòng mình ấm áp trở lại...

Theo phụ nữ TPHCM