Chị Hạnh Dung kính mến,
Mẹ em đơn thân. Nhà ngoại bảo bọc em từ nhỏ. 5 người cậu - anh em ruột của mẹ thay phiên nhau làm “cha” của em. Dù là họp phụ huynh, đi picnic với trường, em cũng luôn có một “người cha” đi cùng giống như các bạn.
Rồi ông bà ngoại em mất, mẹ con em vẫn sống trong căn nhà của ông bà. Mỗi ngày lễ, tết hay đám giỗ, mẹ em một mình lo toan. Đến ngày, các cậu mợ và anh em họ của em mới tụ về.
Hồi tết, nhân lúc cả nhà tề tựu đông đủ, em thưa với cả nhà rằng em định cưới vào giữa năm. Chuyện yêu đương của em vốn đã được mọi người ủng hộ nên tin này làm cả nhà rất hào hứng.
Nhưng tới khi em nói sẽ sửa nhà để chuẩn bị cho đám cưới thì mọi người lại can ngăn. Họ nói “sửa chi tốn tiền", rồi “cứ ở chừng nào hư hẳn rồi xây mới". Mãi sau mới có một cậu nói thẳng cho em biết rằng nhà em đang ở là nhà của ông bà, không phải của mẹ con em. Các cậu không muốn em tốn kém vì một tài sản không phải của em.
Em nói rõ rằng em không câu nệ chuyện sở hữu, rằng căn nhà đó đã nuôi nấng em thì em muốn nó tươm tất trong ngày em lấy vợ. Nhưng đề nghị của em vẫn không được đồng ý. Giữa em và nhà ngoại bắt đầu có khoảng cách.
Nhưng vì nôn nóng cho đám cưới, em đã hẹn gặp các cậu một lần để thưa chuyện làm nhà. Các cậu đồng ý, với điều kiện em phải cam kết rằng việc tu sửa là do em tự nguyện, cho mục đích cá nhân của em và em sẽ không truy đòi phần đã đóng góp vào căn nhà này.
Chuyện sửa nhà sắp tiến hành thì mẹ em lại lung lay khi nghe người dì họ khuyên “sơn nhà rồi tổ chức đám cưới, có tiền thì để dành mua đất rồi làm nhà riêng".
Em thực sự bối rối. Thực lòng em không sợ mất tiền sửa nhà. Nhưng có khi nào dì em nói đúng, rằng chuyện đầu tư sửa nhà không chỉ thiệt cho em, mà có khi còn khiến các cậu, mợ không thoải mái?
Tấn Danh (Long An)
|
Ảnh minh họa |
Tấn Danh mến,
Hạnh Dung hiểu, quyết định sửa nhà của em là xuất phát từ tình cảm. Với em, việc cưới vợ trong sự tinh tươm của căn nhà tuổi thơ là điều vô giá, không thể so sánh với chuyện tài chính, tài sản.
Tuy nhiên, cũng thật dễ hiểu cho những người lớn trong gia đình. Họ khó mà nhìn em tốn kém cho một khoản không thể lấy lại, trong khi em hoàn toàn có thể xoay chuyển để vừa đảm bảo một đám cưới tinh tươm, vừa không quá tốn kém.
Thay vì nhập nhằng giữa 2 vấn đề này, em hãy thử nghĩ thật kỹ về khía cạnh mà cả nhà đang nhắc đến. Em sẽ có gia đình riêng, cuộc sống riêng. Trong tương lai, chắc chắn em cũng phải có nhà riêng. Cưới xong, em có rất nhiều việc phải cần đến tiền. Những đồng tiền dành dụm được thời độc thân là rất quý giá, có thể đỡ đần em rất nhiều trong cuộc sống hôn nhân sau này.
Chính vì vậy, nhìn việc sửa nhà ở góc độ kinh tế là rất cần thiết. Em cần lên kế hoạch tài chính cho tương lai: bao giờ mua nhà, bao giờ sinh con, các chi phí lớn khác trong hôn nhân là gì và vợ chồng em sẽ giải quyết những khoản đó bằng cách nào. Từ đó, em có thể nhìn ngược lại xem việc đầu tư sửa nhà ảnh hưởng thế nào đến tương lai tài chính của gia đình em.
Có một sự thật mà tất cả đều phải nhìn nhận: căn nhà em đang ở là tài sản chung, và "số phận" của nó có thể thay đổi bất kỳ lúc nào tùy vào tính toán của người lớn. Nhưng vì em và mẹ đã gắn bó cuộc đời ở đó, nên việc nói ra sự thật này dù với bất kỳ hình thức nào cũng dễ tạo cảm giác lạnh lùng.
Thế nhưng, các cậu đã nói ra. Hạnh Dung tin rằng, họ cũng gặp khó khăn để “nhắc” em về điều này, và chính vì không muốn em tốn kém nên họ mới phải làm điều khó ấy. Hạnh Dung tin, khi đã nghĩ thấu suốt ở khía cạnh này, em sẽ tự tin đưa ra quyết định.
Còn về tình cảm, em đã có 30 năm sống trong vòng tay của nhà ngoại; em có rất nhiều cơ hội, kỷ niệm, nhiều thông tin để hiểu về tình cảm của mọi người. Đừng vì một câu chuyện mà phủ nhận tất cả. Hãy nhìn mọi thứ thật tỉnh táo, trân trọng tình cảm và thận trọng với mọi quyết định, em nhé.
Theo phụ nữ TPHCM