Chào chị Hạnh Dung,

Tôi 35 tuổi, đã lập gia đình được 13 năm, có hai con. Vợ chồng chúng tôi tạm coi là yên ổn khoảng 2 năm gần đây.

Thời gian đầu sống chung, do khác biệt trong tính cách, mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, nên chúng tôi thường cãi vã nhau. Sau này ra ở riêng, cuộc sống ổn hơn. Chồng tôi cũng biết phụ giúp tôi việc nhà, chăm sóc các con, đối xử với nhà vợ khá tốt. Anh được mọi người nhận xét hiền, ít nói nhưng cộc tính.

Lúc yêu nhau, anh cũng khá lãng mạn, biết quan tâm đến tôi. Lấy nhau về, anh thay đổi, vô tâm, dễ nổi cáu, chẳng bao giờ chủ động thể hiện tình cảm với vợ. Vợ chồng ít khi chia sẻ, nói chuyện với nhau. Tôi có chủ động lại gần thì chồng cứ bảo phiền phức, sung sướng quá hay đòi hỏi. Trong khi tôi luôn muốn được gần gũi, chiều chuộng.

Tôi cũng nhiều lần bày tỏ mong muốn với chồng, nói gay gắt cũng có, khóc lóc rồi đâu cũng vào đó. Dần dần tôi tự tìm niềm vui cho mình, không trông chờ sự quan tâm của chồng nữa. Chúng tôi đi làm về, ăn cơm xong ai về phòng người đó, mỗi người một không gian riêng.

Tôi cảm thấy cuộc sống hôn nhân của mình quá nhàm chán, tẻ nhạt. Tôi phải làm sao đây?

Nguyễn Ngọc Mai

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Chị Nguyễn Ngọc Mai thân mến, 

 Cảm thấy hôn nhân nhàm chán, tẻ nhạt sau một vài năm chung sống không phải là cảm nhận, tâm trạng của riêng chị đâu, chị Ngọc Mai thân mến. Có rất nhiều người thấy như vậy, giống chị, thậm chí là những người mới chỉ sống chung hai, ba năm, chứ còn không được tới 13 năm hôn nhân như chị. 

Họ thấy nhịp sống đều đều, mệt mỏi, họ thấy ông chồng khô khan, họ thấy cuộc sống này cần phải thay đổi, bằng một cách nào đó, để nó thú vị hơn, sinh động hơn. Thậm chí vài người trong số họ còn làm cả một việc mạo hiểm, là thay đổi luôn ông chồng, hay tìm một nguồn vui nguy hiểm khác ngoài vợ ngoài chồng mình.

Hạnh Dung thử kể cho chị nghe về trường hợp một người đi tìm niềm vui khác, không phải là đọc sách hay xem phim hay du lịch với bạn bè, mà là tìm cách thay thế ông chồng bằng một mối tình nho nhỏ khác. Mới hôm qua đây, họ cũng viết thư cho Hạnh Dung và xin lời khuyên: làm sao để chồng tha thứ, để cuộc sống được quay trở về như cũ.

Và Hạnh Dung thoáng nghĩ: có thể cô ấy cũng từng thấy nhàm chán, cô ấy thấy cuộc sống thú vị hơn khi có ai đó chiều chuộng, chăm sóc, thương yêu bằng tình yêu đang chớm nở. Nhưng khi mọi thứ tan hoang, không như ý nữa, cô ấy mới thấy giá trị của những gì bình yên, đều đặn mà cô ấy từng có.

Hạnh Dung không áp đặt rằng mọi câu chuyện của mỗi người giống nhau, Hạnh Dung chỉ muốn đưa ra một ví dụ, để chị thấy rằng sẽ có những hoàn cảnh xảy ra, hậu quả xảy ra khiến người ta sực tỉnh, hiểu giá trị cái điều mà người ta đang có. Điều có có thể là như chị đang có: một người chồng hiền lành, biết phụ vợ việc nhà, yêu thương và chăm sóc con cái, tử tế với gia đình vợ...

Và như vậy, thay vì phân tích về cuộc sống hôn nhân nhàm chán, tẻ nhạt, chúng ta hãy bắt đầu câu chuyện bằng việc chậm lại một chút, ngẫm lại một chút... về điều ta đang có. Có gì đáng quý, đáng trân trọng và đáng gìn giữ ở đó hay không? Có thể tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trọn vẹn trong việc cảm nhận sâu sắc nhất từng giây phút bình an, nhẹ nhàng mà mình đang có hay không?

Tất nhiên, Hạnh Dung không nghĩ rằng chị sai khi muốn cuộc sống vui vẻ, thú vị, lãng mạn hơn. Thế nhưng, đôi khi điều những bà vợ muốn: sự lãng mạn của thời mới yêu, lại khiến các ông chồng thấy mệt mỏi, áp lực, phiền nhiễu.

Điều đó hoàn toàn không có nghĩa là họ không yêu vợ. Chỉ là họ trở về với bản chất thật của mình là muốn sống đơn giản, với những cảm xúc bình dị, không phải "diễn" những cảnh lãng mạn mà khi theo đuổi, họ đã bị buộc phải làm như thế.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nếu chị hiểu và thông cảm được cho một người chồng mà chị thấy rằng rất tốt, chỉ thiếu mỗi sự lãng mạn, chia sẻ... thì thay vì thay đổi chồng, chị hãy cố gắng thay đổi chính mình để chấp nhận điều đó, và tự mình làm cho nó vui hơn, thú vị hơn, chứ không phải là đòi hỏi ở chồng sự chiều chuộng, nũng nịu.

Thay vì bày tỏ những đòi hỏi của mình, khóc lóc, gay gắt... muốn anh gần gũi, chiều chuộng, chị hãy chia sẻ với anh mọi chuyện của mình, cuốn anh vào những hoạt động vui vẻ mà mình tìm được. Thay vì yêu cầu anh chiều mình, chị hãy nghiên cứu những sở thích có thể làm anh vui, và chủ động tham gia vào một hoạt động nào đó mà chị nghĩ anh sẽ thích, sẽ hào hứng tham gia.

Thay vì yêu cầu điều mình muốn không được thì ngưng nói, chị hãy tiếp tục trò chuyện với anh, chia sẻ với anh những chuyện vui, những điều làm chị vui và lắng nghe những gì làm cho anh vui, từ công việc, từ các mối quan hệ, từ các kế hoạch, mong ước, khao khát của anh...

Hôn nhân 13 năm, nghĩa là con cái cũng vào tuổi có thể tham gia vào những hoạt động chung của gia đình như cùng nhau đi phượt, tập thể dục hay những trò chơi gia đình... Chị hãy khéo léo biến anh thành người chủ động gầy dựng những kế hoạch "ngoại khóa" cho các con... Một người chồng yêu thương và chăm sóc con cái sẽ không từ chối những việc như vậy, nhất là khi có sự động viên, cổ vũ của vợ, và nhìn thấy niềm vui của các con.

Hãy cố gắng từ từ, chầm chậm và sâu sắc cảm nhận mọi niềm vui giản dị từ gia đình, từ chồng, chị nhé. Hạnh Dung cũng hết sức tán thành chị tìm những niềm vui riêng của mình, những niềm vui không làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, như học gì đó, làm thêm gì đó, gây dựng những mối quan hệ vui vẻ với bạn bè. Và mang những niềm vui riêng đó về chia sẻ với gia đình mình. 

Theo phụ nữ TPHCM