leftcenterrightdel
 Giờ đây, ba phải sống trong cảnh bệnh tật và cô độc (Ảnh minh họa)

Những ngày qua, đọc những bài viết về người chồng, người cha ngoại tình tuổi già phải sống cô độc khiến tôi nhớ lại chuyện của mình Tôi từng là "cả bầu trời, cả mặt đất của ba, quý tử của ba" - như ba tôi luôn nói.

Mỗi lần cha con gần nhau là ba hay công kênh tôi trên vai, cõng trên lưng và mua đồ chơi cho tôi nhiều như trái núi.

Thế nhưng, năm tôi 7 tuổi, đùng một phát ba mẹ tôi ly hôn. Khi đó tôi đã nghe đươc tiếng khóc ai oán của mẹ trong đêm khuya nói với ba: "Tại sao anh lại ngoại tình, tại sao anh lại phụ bạc hai mẹ con em".

Lúc đó, tôi không hiểu ngoại tình là gì, nhưng tôi biết ba mẹ tôi không còn sống chung nhà. Và điều tôi không thể ngờ là ông đã quên hẳn "cục vàng, cục kim cương" mà ông cõng trên lưng suốt.

Ba bỏ đi mất dạng, cả năm ba mới về thăm tôi. Tôi vẫn nhớ như in, ngày ba về thăm. Tôi đang ngồi một mình trước hiên nhà thì nghe tiếng gọi "Tin". Tôi nhận ngay là tiếng ba. Ba đứng ngoài cổng và dang rộng hai tay đón tôi như ngày xưa ba đi làm xa cuối tuần về.

Tôi định ào chạy ôm ba, nhưng đôi chân chôn chặt một chỗ. Nước mắt tôi tràn ra, trong tôi là mớ cảm xúc hỗn độn: nhớ ba, thương ba, thèm ba và cả giận ba, ghét ba. Rồi chẳng hiểu sao, tôi chạy nấp sau cây vú sữa giữa sân. Một lúc sau, ba mới vô được nhà, khi ba ôm tôi trong vòng tay, tôi đã khóc nức nở, tức tưởi cho thỏa những giận hờn và nhớ nhung.

Những tưởng, sau lần đó ba sẽ về thăm tôi thường xuyên. Nhưng ba lại biền biệt. Tôi nghe mẹ và ngoại nói chuyện thì mới biết: vợ ba đã sinh em bé và ba rất bận rộn. Tối đó, tôi nấp trong kẹt tủ khóc thật lâu, tôi hình dung từ nay ba sẽ lo cho gia đình của ba, đứa con gái của ba.

Ba năm sau, khi ông ngoại tôi nằm viện, mẹ dẫn tôi đi thăm. Ba tôi cũng tới thăm và ông cõng con gái trên lưng y như ngày xưa cõng tôi. Ba ngoắc tôi, nói: "Em con nè". Nhưng cô bé đó thật xa lạ với tôi. Tôi thấy ghét ba và ghét cả con bé đó. Tôi nghĩ, vì nó mà đứa trẻ mới 10 tuổi là tôi phải mất cha.

Hôm đó, hình ảnh ba trong tôi nhạt nhòa. Tôi vẫn nhớ ba, nhưng trong nỗi nhớ đã xen lẫn giận hờn, ấm ức. Mỗi lần nghe cô hàng xóm kể: "Hôm nay thấy ông L. (ba tôi) dẫn vợ con vô quán H.D ăn", tôi lại thấy ba càng xa. Rồi những khi tôi bệnh, nằm viện, cũng là mẹ và các dì chăm tôi, hoàn toàn không có bóng dáng của ba.

Khi tôi vào cấp III, rồi lên đại học, ba cũng không xuất hiện. Ba cũng không bao giờ cho tôi món quà, cái bánh, tấm áo mới... Ba đã hoàn toàn biến mất trong cuộc sống và tâm trí tôi.

Thỉnh thoảng, tôi về nhà nội dịp tết, nghe các chú, cô nói: "Ba mày giờ khó khăn, vợ sau cờ bạc, đề đóm nên phải bán nhà trả nợ. Vì vậy, ông mặc cảm cũng ít khi về nhà nội". Tôi nghe chuyện nhưng lòng trống rỗng, cứ như của người lạ nào đó.

Hơn 20 năm qua, cuộc sống của tôi hoàn toàn không có bóng dáng của người cha. Mẹ tôi sống một mình, tần tảo nuôi tôi ăn học, yêu thương chăm sóc tôi từng chút một như bù đắp sự thiếu thốn tình thương của cha.

Ngày vợ tôi sinh con đầu lòng. Khi đặt tên, tôi đã nói với vợ: "Anh sẽ không đặt tên con theo họ của anh. Vì anh không muốn con mang họ của ông nội. Anh sẽ đặt theo họ bà nội. Bà nội mới xứng đáng để truyền cái họ lại cho các cháu". Cả hai đứa con của tôi đều mang họ của mẹ tôi. Xem như mối liên quan của ba với thế hệ con tôi đã dừng lại.

Thật sự, hiện tại tôi không còn giận nhưng tôi cũng chẳng có tình cảm, sự ràng buộc nào với ba. Tôi đã từng gặp lại ba hai lần trong năm qua. Ông ốm và trông khá tiều tụy vì mắc bệnh viêm gan do chìm trong men rượu. Tôi chào ông như một người qua đường.

Ông bệnh tật và đơn độc. Mẹ nói tôi đón ông về nuôi. Tôi từ chối. Tôi có thể cho ông tiền, những bữa ăn no. Nhưng, đón về phụng dưỡng thì tôi không có đủ lòng trắc ẩn, sự bao dung và tình thương yêu với một người từ lâu không có bất kỳ mối liên quan nào tới mình. 

Theo phụ nữ TPHCM