Tôi năm nay 34 tuổi, làm trong cơ quan nhà nước, lương mỗi tháng được 7 triệu. Buổi tối và cuối tuần tôi bán hàng online thêm được 5 triệu. Với mức sống ở thành phố thì chỉ vừa đủ chi tiêu cơ bản.
Chồng tôi 38 tuổi, anh đang là quản lý cấp phòng của một doanh nghiệp nước ngoài. Lương hàng tháng của anh tôi không biết chính xác, nhưng đoán chừng 50 triệu đồng. Chưa kể anh còn kiếm thêm thu nhập khi làm các dự án ngắn hạn cho các doanh nghiệp nhỏ. Tôi có nghe anh nói qua các cuộc điện thoại lúc ở nhà nhưng chưa bao giờ biết rõ là bao nhiêu. Thi thoảng tôi hỏi thì anh nói: “Vẫn đưa đủ em chi tiêu và đủ trả nợ ngân hàng là được chứ gì”.
Hội chị em trên cơ quan tôi mỗi khi ngồi tám chuyện thường hay nói về lương của chồng cao hay thấp, kiếm thêm được bên ngoài bao nhiêu, hàng tháng đưa cho vợ từng nào, đang cầm bao nhiêu tiền tiết kiệm. Ở hầu hết các gia đình khác, chồng đều "nộp" hết lương cho vợ giữ, chỉ chừa lại một khoản nhỏ ăn sáng, ăn trưa và đổ xăng.
“Nhà chị thế nào, chắc có vài tỉ tiết kiệm rồi ấy nhỉ? Không thì cũng vài miếng đất”, mọi người hay quay sang hỏi tôi.
“Nhà chị hả? Ai có tiền người ấy giữ nên chị cũng không rõ tổng cộng bao nhiêu”, tôi trả lời.
Mỗi lần như vậy, chị em lại bĩu môi: “Chị cứ giấu hoài, chị em hỏi thăm nhau thôi chứ có ai mượn của chị đâu”.
Quả đúng thế thật. Vợ chồng tôi từ khi cưới nhau về đã thống nhất việc tiền ai nấy giữ. Hàng tháng, chồng đưa cho tôi một khoản để chi tiêu sinh hoạt hàng tháng và đóng tiền học cho các con, còn lại anh tự quản tài chính. Khi tôi hỏi thì anh bảo gửi tiết kiệm để trả nợ. Quả thật tiền vay mượn mua nhà, mua xe đều do anh trả, tôi không cần lo tới các khoản nợ. Đến sau này khi đã trả xong hết nợ nần, nhà tôi vẫn giữ thói quen cũ.
|
Chồng kiên quyết không đưa tôi giữ lương như các gia đình khác, chỉ đưa tiền sinh hoạt hàng tháng |
Ngoài khoản tiền anh đưa, tôi cũng dùng lương của mình để lo việc hiếu hỉ, quà cáp nội ngoại mỗi dịp lễ tết, mua sắm thêm đồ dùng trong nhà. Tôi không có khoản tiền tiết kiệm nào đáng kể. Phần vì thu nhập của tôi thấp, phần vì tôi nghĩ việc đó đã có chồng lo nên tôi cũng không để tiền tiết kiệm mà chi tiêu để cả nhà sống đầy đủ hơn.
Vừa rồi, bên ngoại của tôi có người bà con đang xây nhà. Hôm gặp tôi về chơi, người này ngỏ ý muốn mượn ít tiền. “Cô xem cho anh chị mượn một ít, đang lúc gấp rút hoàn thiện mà bí tiền quá. Số tiền anh chị mượn chỉ bằng cô chú đi làm 1-2 tháng. Anh chị sẽ trả ngay khi có”. Tôi ngại lắm, nhưng chẳng có tiền để cho mượn. Từ chối thì không chỉ bị anh chị, mà cả mẹ ruột cũng giận, nói tôi khá giả mà không biết đùm bọc anh em lúc thiếu thốn.
Sau hôm đó, tôi về nói với chồng về việc để tôi giữ tiền lương của anh như bao gia đình khác. Anh hậm hực: “Tại sao em lại muốn giữ tiền lương của anh? Anh đã đóng góp phần lớn chi tiêu của gia đình, và trả các khoản nợ. Em chỉ việc cầm tiền và chi tiêu. Em nghĩ sao nếu giờ anh đòi giữ tiền lương của em? Không có thay đổi gì hết. Nhà mình trước nay sao thì giờ vẫn vậy, anh thấy vẫn ổn đấy thôi!”.
Tôi không còn cách nào khác để thuyết phục chồng. Mang tiếng với bên ngoài là gia đình khá giả, thế nhưng tôi lúc nào cũng trong tình trạng bị rỉa rói như thể mình là một người keo kiệt không chịu giúp đỡ người thân.
Theo phụ nữ TPHCM