Chào chị Hạnh Dung!
Em năm nay 38 tuổi, vợ em 34 tuổi, có 2 con, đứa lớn 6 tuổi, đứa nhỏ mới gần 3 tuổi. Vợ em làm nhân viên ngân hàng, lương khoảng 12 triệu/tháng. Em làm tự do bên ngoài lương tầm 15 triệu. Tóm lại, thu nhập 2 vợ chồng vừa đủ sống ở TPHCM này. Tụi em có nhà riêng nên không mất tiền thuê nhà.
Em làm lương bao nhiêu cũng đưa về cho vợ, chỉ dành mấy đồng ăn sáng cà phê, lâu lâu nhậu với bạn bè. Nhưng tất cả mọi chuyện đều phát xuất từ ba mẹ vợ.
Ông bà là cán bộ về hưu, có nhà cửa và chút tài sản, nên cứ muốn con cháu về ở gần, vì gia đình đơn chiếc, chỉ có đứa em vợ mà nó cũng đi học xa, nên chỉ có 2 ông bà lủi thủi ở nhà.
Mẹ vợ rất mê tín, cái gì cũng đi xem thầy bói. Ngay cả việc đặt tên cho 2 con em mà em cũng không được quyết định. Vợ nghe lời mẹ, nên cái gì cũng làm theo, kể cả việc đặt tên cho con.
Lúc đứa con lớn em mới 3 tuổi, thì ông bà lại bắt đem về nuôi. Em lúc đầu không đồng ý vì thương nhớ con, phần khác cũng muốn nó ở cùng có chị có em cho chúng biết thương nhau hơn. Nhưng vợ em cứ chiều ba mẹ rồi để con cho ông bà nuôi.
Đợt COVID-19, vì em làm tự do nên thời điểm đó cũng khó khăn về mặt kinh tế. Vợ em không cảm thông mà cằn nhằn dẫn tới em có nổi nóng và đánh vợ. Mặc dù không gây hậu quả nghiêm trọng lắm, nhưng vợ và ba mẹ vợ cứ “ghim” chuyện đó trong lòng dẫu chuyện xảy ra đã 3 năm.
Đỉnh điểm là mới đây (khoảng 3 tháng), em muốn đưa cả nhà đi định cư ở Mỹ, thì ba mẹ vợ lại ra sức ngăn cản. Theo ông bà thì “tương lai đâu chưa thấy, chỉ thấy xa cách tình thân”. Lúc đó em có nóng tính lên nên nặng lời với mẹ vợ, nói chuyện gia đình con sao ba mẹ cứ can thiệp hoài, vợ em lại nghe theo ba mẹ nên cũng không chịu đi cùng em.
Lúc đó em có nói “nếu vợ không đi, thì anh sẽ dẫn 2 đứa nhỏ đi”. Sáng hôm sau, mẹ vợ em từ Đắk Lắk xuống Sài Gòn, cùng vợ qua trường học đón 2 con em, rồi dẫn ra thẳng bến xe lên nhà ông bà ở trên ấy luôn.
Lúc đó mới 9 giờ sáng, em coi camera nhà trường và thấy hết sự việc, em có gọi hỏi: “Mẹ đem 2 con của con đi đâu?", thì bà trả lời: "Mẹ đưa đi chùa chơi rồi chiều về". Em cũng tin như thế, xong đến tối không thấy vợ con về, em mới gọi điện thì biết 2 con em đã về nhà ông bà.
Quá bức xúc nên em có lớn tiếng với ông bà, rằng đó là con em chứ không phải con ông bà, mà ông bà muốn đưa đi đâu thì đi? Cả tuần sau, vợ và ba mẹ vợ cũng nhất định không đưa con em xuống Sài Gòn cho chúng nó đi học.
Em giận quá, có gọi điện “văng tục chửi thề” với ông bà, thì ông bà lại nói em hỗn láo, vô ơn. Rồi ông bà xúi con gái xuống Sài Gòn đâm đơn ly hôn với em, mục đích là để cướp lấy 2 con em về cho ông bà.
Em biết pháp luật Việt Nam bảo vệ phụ nữ và trẻ em, nhất là trẻ dưới 7 tuổi thì phải theo mẹ. Em đã xuống nước, nói vợ hãy rút đơn ly hôn (đơn phương), vì anh không muốn 2 con mình phải sống thiếu tình thương của cha hay mẹ.
Lần hòa giải đầu tiên, tòa gửi giấy thì lúc đó em đi công việc ở tỉnh lẻ, nên không biết gì. Người đưa thư của tòa án Bình Thạnh gửi luôn cho vợ em, nhưng vợ lại ém nhẹm không cho em biết thời gian địa điểm diễn ra phiên hòa giải, nên em đã vắng mặt.
Bây giờ em đang đợi tới thư của tòa cho phiên hòa giải lần 2 để lên trình bày. Giờ em phải làm sao? Vì em vẫn rất yêu vợ, thương 2 con, sợ chúng phải sống thiếu tình cảm của cha hoặc mẹ. Em chỉ tức ba mẹ vợ đã can thiệp quá sâu vào chuyện gia đình em. Mong chị cho em lời khuyên.
Nguyễn Hồng Hải
Em Hồng Hải thân mến,
Điều đầu tiên Hạnh Dung muốn nhắc em nhẹ nhàng, là hình như em đã có những lúc quá nóng tính mà cư xử không phải với vợ và gia đình vợ. Để xảy ra những rạn nứt, đổ vỡ đáng tiếc hôm nay, không phải là không có lỗi của em. Mà biết đâu chừng chính vì những cái lỗi đó, mà gia đình vợ mất lòng tin vào em, và có những cư xử theo kiểu "bảo vệ con và cháu" của họ.
Đánh vợ, nói hỗn với cha mẹ vợ, thậm chí văng tục chửi thề... đều là những điều không nên làm. Trong khi đó, những việc nên làm ngay từ đầu là nhẹ nhàng nhưng cương quyết giữ gìn "chủ quyền" của gia đình mình, của mình, từ việc đặt tên cho con, đến việc từ chối để con về ở với ông bà, thì em lại không làm.
Lẽ ra ngay từ đầu, với những đòi hỏi vô lý, hay không hợp mong muốn của em, làm em cảm thấy bị can thiệp sâu, thì em phải giải thích có tình có lý với vợ, với ba mẹ vợ, yêu cầu vợ ủng hộ mình... để việc trong ngoài được yên ấm. Những "can thiệp", "lấn lướt", "ép buộc" sẽ ngày càng gia tăng là chuyện tất nhiên, khi một ai đó thấy dễ dàng đạt được điều mình mong muốn ngay từ đầu.
Giờ đây, mọi việc đã ngày càng phức tạp và nặng nề hơn, Hạnh Dung nghĩ em đành phải áp dụng cùng lúc cả cương lẫn nhu thì mới mong giải quyết được phần nào khó khăn.
Chuyện ly hôn, một mặt em nên nhờ cậy đến sự đúng đắn công bằng của pháp luật. Có sự trình bày rõ ràng với tòa án, nhận phần nào lỗi về mình, và mong muốn có cơ hội sửa chữa lỗi của mình và hàn gắn gia đình.
Mặt khác em cũng phải có những thể hiện chứng tỏ lòng thành tâm muốn giữ gia đình cho mình, cho con. Quan trọng nhất, là em hãy thuyết phục vợ hiểu cho những ấm ức, tức giận của em, khi không có được tiếng nói quyết định mọi việc của gia đình mình. Nói cho vợ hiểu sự đau lòng khi cha mẹ ly hôn, con cái bị chia rẽ.
Mặt khác, em nên thể hiện với cả vợ lẫn gia đình vợ mong muốn có được những cuộc nói chuyện để trao đổi, lựa chọn giải pháp nào tốt nhất cho gia đình. Hãy làm sao để cả gia đình nhìn thấy ở em sự trưởng thành, chững chạc, mạnh mẽ trong tinh thần, và khả năng chịu trách nhiệm về gia đình của em, chứ không phải là sự nóng nảy, trả treo, bất chấp.
Hãy cố gắng hết sức, bằng tất cả tấm lòng chân thành yêu thương gia đình vợ con của mình. Khi giữ được điều tâm niệm ấy trong lòng, thì ngay cả những tình huống đưa đẩy sự việc theo chiều ngược với mong muốn của mình, em vẫn có thể làm được những điều tốt đẹp cho những người yêu thương, là vợ và con em.
Theo phụ nữ TPHCM