Bà nội tôi sinh được 3 người con gồm bố tôi và 2 cô. Cả 2 cô đều lấy chồng là người gần nhà. Cô út theo chồng đi làm ăn xa rồi định cư luôn trong miền Nam, mấy năm mới về một lần. Cô lớn vẫn ở cùng nhà chồng, chỉ cách nhà bà nội tôi “một giậu mùng tơi”.
Chồng cô lớn hơn cô 2 tuổi. Chú là con út trong gia đình có điều kiện nhất xóm, nên từ hồi còn nhỏ đã nổi tiếng mải chơi, không nghe lời cha mẹ. Cuộc vui nào, hội làng nào cũng đều thấy chú tham dự từ đầu đến cuối. Chẳng hiểu duyên số thế nào mà cô tôi lại phải lòng chú.
Sau khi cưới, cô sinh liền 3 đứa con, mỗi đứa chỉ cách nhau 2 tuổi. Đứa con thứ 2 của cô chú bằng tuổi với tôi, nên từ nhỏ anh em đã cùng học, cùng chơi. Hồi nhỏ nó suốt ngày ăn ngủ ở nhà bà ngoại vì có tôi chơi cùng. Lớn lên vẫn vậy, nhưng lý do chính là nó “không muốn về nhà để đỡ phải chạm mặt bố”.
|
Thay vì yêu thương, nhiều người cha lại thường thể hiện rất hà khắc với các con (ảnh minh họa) |
Sau khi lấy vợ, chú tôi xin được vào làm ở cơ quan nhà nước, dần dà thành cán bộ. Trái với hình ảnh nghịch ngợm ham chơi hồi trẻ, ở độ tuổi ngoài 50, ông lúc nào cũng xuất hiện rất bảnh bao, cư xử đường hoàng, lịch thiệp. Chú được lòng cả đồng nghiệp và người dân.
Cách chú đối với bên nhà ngoại cũng rất tốt. Đám cưới, đám giỗ, ngày lễ ngày tết không khi nào thiếu mặt chú. Từ việc đi mời rượu tiếp khách đến làm cỗ trong bếp chú đều chẳng ngại ngần. Lễ tết nào cũng sang chúc mừng chu đáo. Bà nội và bố tôi từng thốt lên: “Cô mày thế mà lại sướng!”.
Thế nhưng hình ảnh người cha qua lời kể của con chú hoàn toàn trái ngược. Nó than với tôi rằng, cứ hễ bố đi làm về là ông bắt đầu chửi rủa 3 đứa con, dù chẳng nguyên do gì. Nếu chẳng may đám con làm điều gì khiến chú không vừa ý, thì từng đứa một sẽ bị lôi ra đánh lằn mông. Từ bé, cả 3 đứa chưa bao giờ cảm nhận được tình yêu thương hay sự chăm sóc từ bố.
Cô tôi cũng chịu nhiều nỗi khổ. Sau khi chửi mắng lũ trẻ con, chú tiếp tục lôi cô ra để chì chiết, đay nghiến. Cô bị chồng xỉa xói: “Con đàn bà vô dụng, chỉ biết ăn bám. Ở nhà cơm nước với dạy con thôi mà không xong”.
Có lần chú đi tiếp khách về và say rượu, chú lôi cô ra chửi mắng, đánh đập giữa nhà. Bọn trẻ thương mẹ nên lao vào can ngăn, cũng bị chú đánh. Những vụ việc như thế ít được biết đến vì cô và bọn trẻ đều không được nói ra để “giữ thể diện".
Bất kì việc gì trong gia đình đều do chú quyết định. Không ai có quyền can dự, cũng không được đóng góp ý kiến.
Cách đây 4 năm, cậu em tôi thi trượt đại học. Nó cầm tờ kết quả trên tay từ sáng mà tối mịt mới dám về nhà. Bố đánh đập, chửi mắng thậm tệ: “Mày là loại vô dụng như mẹ mày. Cút ra khỏi nhà tao, đi ra đường kia xem có sống được không”.
Em tôi lao ra khỏi nhà, một lúc sau cả nhà chết điếng khi có người báo tin em bị tai nạn trong lúc lao ra ngoài ấy. Nó không qua khỏi. Mẹ nó khóc ngất, bố nó cũng đau đớn quặn thắt.
Những tưởng sau biến cố mất con ấy, chú sẽ thay đổi. Nhưng ít tháng sau ngày em tôi mất, tới lượt thằng út nhà cô chú lại quanh quẩn bên nhà tôi cả ngày. Nó bảo: “Em không muốn về nhà, để đỡ phải chạm mặt bố”.
Theo phụ nữ TPHCM