Đọc bài viết Tiếp tục sống chung không hạnh phúc do áp lực tài chính, tôi thêm cám cảnh hoàn cảnh của mình.
Chúng tôi từng có cuộc sống thật vui vào những năm đầu sau cưới nhau. Chồng tôi lái taxi, tôi đi dạy học. Tổng thu nhập vợ chồng hơn 25 triệu đồng/tháng, cuộc sống khá ổn. Hàng tháng, chồng tôi đưa 10 triệu đồng, còn khoảng 6 - 8 triệu, anh dằn túi riêng để chạy xe cho an tâm.
|
|
Cuộc sống của chúng tôi ngày càng trở nên chật vật (ảnh minh họa) |
Tiền lương giáo viên của tôi cộng thêm tiền thưởng các loại chừng 12 triệu đồng. Trừ tiền thuê nhà 2,5 triệu đồng/tháng, còn lại, chi tiêu tiết kiệm, có khi 1 tháng tôi sắm được nửa chỉ vàng. Nhưng đó là những năm đầu tiên sau cưới. Chỉ là, sau khi 2 con gái lần lượt ra đời, mọi thứ trở nên khó khăn hơn, tôi phải tiết kiệm chi tiêu, mua sắm. Nhưng khoản tiền tôi xót nhất là khoản thuê nhà, sau 5 năm ở trọ, thu nhập của vợ chồng không tăng mà tiền phòng trọ đã lên thành 4 triệu đồng/tháng.
Vợ chồng quyết phải mua được nhà, nhưng giấc mơ có nhà suýt nữa thành mây khói bởi có con thứ 3. Sau nhiều trận ốm đau của lũ nhỏ, hơn 4 cây vàng tôi tiết kiệm đã bay một nửa. Khi trường thông báo tôi thuộc diện có thể vay ngân hàng để mua nhà, vợ chồng lại nháo nhào đi lo liệu để có nơi an cư.
Cuối cùng, năm 2022, chúng tôi cũng mua được căn nhà trên mảnh đất 62m2 ở xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn. Nhà ngay cánh đồng cũ, còn nhiều ngôi mộ chưa bốc đi, nhiều người ngại phong thủy nên nhà 1 trệt 1 lầu kiên cố mà giá chỉ 1,2 tỷ đồng, giá khá rẻ so với giá thị trường. Chúng tôi hồ hởi bàn nhau: “Kệ đi, có nhà là an tâm rồi. Mình ráng làm từ từ trả hết nợ, mình là chủ nhà”.
Nhưng mẹ chồng tôi ở quê sống 1 mình nhiều năm nay bỗng trở bệnh. 3 người con trai đều vào thành phố mưu sinh. Do 2 anh lớn đều phải ở trọ, chỉ có mỗi chồng tôi là có nhà riêng, nghiễm nhiên chúng tôi phải đón mẹ về phụng dưỡng. Tiền góp ngân hàng hàng tháng, điện, nước, sữa, tã, học phí cho con, giờ lại thêm tiền thuốc thang cho mẹ… tôi nhức não tính toán mà không choàng hết được.
Tôi nói chồng đưa thêm tiền, anh đưa thêm mỗi tháng 2 triệu đồng. Tôi xoay vẫn không thể đủ. Tôi mở lời nói anh nhắc 2 anh đóng góp tiền chăm lo mẹ, thì anh im lặng rồi phớt lờ. Cứ vậy, 2 năm qua, tôi phải tự xoay xở những khoản thiếu hụt đó bằng cách tự làm rồi bán tóp mỡ, bánh tráng trộn, muối tôm… trên mạng.
Nhưng việc buôn bán ngày càng khó khăn. Do bận chuyên môn, tôi thiếu chăm chút shop, khách cũng không tăng thêm. Có lần, tôi bị ứ hàng trị giá cả chục triệu đồng, chưa kịp than, chồng đã “đá thúng, đụng nia” nói tôi bày vẽ chuyện, không dành thời gian chăm mẹ, lo bữa cơm gia đình.
Mới giữa tuần trước, mẹ chồng trượt té, tôi quăng cái điện thoại để lo cho bà và quên đi đón con. Cô giáo điện thoại cho chồng tôi, nói cô gọi tôi hoài không được. Anh bỏ khách, hộc tốc chạy đi đón con. Về nhà, chưa hỏi nguyên do anh đã mắng tôi tới tấp.
Cách đây 6 tháng, chồng phát hiện tôi vay của người bạn thân hơn 50 triệu đồng để xoay xở, anh quát tôi tiêu xài hoang phí. Tôi chỉ biết chìa cái sổ chi tiêu trong nhà đáp trả anh.
Cuộc sống vợ chồng cứ rối tinh rối nùi như vậy. Thật ra, chúng tôi sẽ không chật vật thế này nếu không phải trả góp tiền nhà. Nhưng nếu không đánh liều để có cái nhà thì làm sao an tâm mà sống, tiền thuê trọ hàng tháng cũng đâu ít, mà chẳng lẽ vợ chồng con cái dắt díu nhau đi ở trọ cả đời.
Chất lượng sống thế nào, hạnh phúc gia đình thế nào? Với tôi, câu hỏi đó quá xa xỉ. Mỗi tháng, vào ngày 10 tôi phải tìm đâu cho đủ 11 triệu đồng lo tiền điện, nước, học phí cho 2 con; ngày 25 mỗi tháng phải tìm đâu đủ 12 triệu đóng lãi và gốc cho ngân hàng. Rồi tiền chợ hàng ngày, tiền đổ xăng đi dạy học, tiền đưa mẹ đi khám bệnh đột xuất, chưa kể hiếu hỉ các loại...
Cứ vậy tôi hồi hộp đếm từng ngày qua hết năm này tháng khác. Cứ đà này, chắc đến năm 2035, khi trả hết nợ ngân hàng, tôi mới biết hạnh phúc vợ chồng ra sao. Hay nói cách khác, hạnh phúc của cuộc hôn nhân đã bị tiền nong đè bẹp, không lối thoát.
Theo phụ nữ TPHCM