Tiền công trung bình của người giúp việc tại một khu phố ở quận Hà Đông, Hà Nội là 7 triệu đồng nhưng Khánh Thi (33 tuổi, nhân viên mua hàng) “thuê” mẹ đẻ với "lương cứng" mỗi tháng 10 triệu đồng. Cứ đến ngày mùng 5 hàng tháng, cô sẽ chuyển tiền vào tài khoản mẹ.

Những khoản tiền như áo quần, đồ dùng, học phí cho em trai đang học cấp III, cô cũng lo liệu để ba cô ở nhà chăm em trai. Tính ra, tổng chi phí để Khánh Thi nhờ mẹ trông con cao gấp đôi thuê người ngoài. Tiền lương đi làm của cô cũng chỉ đủ để trang trải các khoản phí ấy.

Khi được hỏi về lý do vì sao không thuê Osin để tiết kiệm, Khánh Thi chia sẻ: “Nói là thuê mẹ, nhưng chỉ là một cái cớ để tôi trả ơn sinh thành. Nếu đưa tiền, mẹ chắc chắn sẽ không lấy, khi nói là tiền lương thì mẹ thoải mái hơn. Chồng tôi cũng sẽ không phải suy nghĩ gì trong chuyện tôi “mang tiền về cho mẹ”. Vợ chồng không vướng víu cảm giác làm phiền hay bắt bà nội phải đi trông cháu”.

(Ảnh minh họa: Internet)
(Ảnh minh họa: Internet)

Làm tại một tập đoàn nước ngoài, Khánh Thi thường xuyên đi sớm về muộn. Chồng cô cũng khởi nghiệp kinh doanh nên rất bận, ít khi có thể tham gia vào việc chăm sóc con. Vậy nên Khánh Thi vẫn thấy may mắn vì mẹ còn khỏe để… trả lương, thay vì phải bỏ tiền thuê người lạ.

Cùng quan điểm chỉ yên tâm khi giao con cái cho ông bà, rất nhiều người đã “vận động” cha mẹ ở chung. Phần lớn những đứa con khi về thuyết phục cha mẹ thì sẽ thường nói rằng con sẽ lo cho cha mẹ, trả lương đầy đủ, nhưng để đều đặn chuyển lương hàng tháng như gia đình Khánh Thi thì rất hiếm. Nhiều trường hợp cha mẹ và con cái mâu thuẫn vì chuyện tiền bạc.

Trong một nghiên cứu của Tổng cục Thống kê năm 2021 về "Già hóa dân số và người cao tuổi Việt Nam", hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi. 35% số này vẫn làm việc tạo thu nhập, còn lại là các công việc "không tên" và lao động gia đình không được trả lương, trong đó có việc chăm sóc cháu.

Cùng một câu hỏi bàn luận trên Facebook: “Bạn có trả tiền cho ông bà chăm con giúp không?”, chỉ 20% số người tham gia bình luận đưa ra câu trả lời là có, 80% còn lại là “trả bằng nhiều cách khác nhau hoặc không trả”.

Không ai thương con bằng cha mẹ. Các ông bà thường có suy nghĩ "chẳng có tiền mà cho con cháu", huống gì là lấy tiền của con. Nhưng cũng có không ít ông bà rất khó khăn nếu phải bỏ việc của mình để đi trông cháu.

Bà Nguyễn Thị Hương (64 tuổi, hiện ở TPHCM) đi chăm cháu suốt 3 năm nay, tâm sự: “Con tôi gọi gấp, trình bày rằng cháu nhỏ không thể gửi trẻ, lại hay bệnh vặt, không ai chăm, công việc của con thì quá bận rộn. Con gái than thở mãi, nhẽ nào mẹ không giúp? Ở quê làm nông vất vả, nhưng đến mùa bán thóc hay bán đôi heo thì cũng có thêm đồng ra đồng vào. Vào đây, con nuôi ăn, nhưng lại không có tiền dư để dành lúc ốm đau tuổi già”.

Bà Hương sinh ra và lớn lên ở Bình Định. Cả cuộc đời quẩn quanh bên đồng ruộng, cố gắng mãi cũng nuôi được cô con gái đi học đại học, tốt nghiệp đi làm. Nhưng con gái bà chỉ là một nhân viên bình thường với mức lương khoảng 10-12 triệu đồng/tháng, lại sinh 2 đứa con liên tiếp. Thu nhập vợ chồng con gái chưa đủ để lo cho sinh hoạt đắt đỏ ở thành phố, nên con bà không thể trả công cho mẹ.

“Thôi đành cố gắng giúp con thêm 1-2 năm nữa, đợi thằng Tí lớn, đi học lớp Một thì tôi về quê. Nhưng các con đang nói, mẹ mà về thì không ai đưa đón cháu, tôi cũng phân vân lắm”, bà Hương bộc bạch.

(Ảnh minh họa: Internet)
(Ảnh minh họa: Internet)

Phần đông con cái vẫn nghĩ rằng, khi sinh con sẽ nhờ vả cha mẹ, "nhiệm vụ" của cha mẹ là phải giúp con cái, vậy nên không thoải mái khi gửi lương cho cha mẹ.

Phạm Hồng Vân (27 tuổi, sống tại quận 2, TPHCM) nhiều ngày xích mích với mẹ chồng. Không khí trong nhà rất nặng nề, nhất là khi cô biết chồng cô đã âm thầm trả tiền lương cho mẹ chồng suốt 1 năm nay. Không những mỗi tháng gửi cho mẹ 6 triệu đồng, chồng cô còn mua hàng online gửi về quê rất nhiều đồ dùng và thực phẩm cho ba chồng.

Vốn thẳng tính, Hồng Vân nói với mẹ: "Ngay khi mẹ vào đây, con đã nói chúng con có khó khăn mới nhờ cậy mẹ. Nếu chi phí như chi một đầu lương thì chúng con lao đao".

Bên nào cũng cũng có nỗi niềm khiến mọi chuyện trở nên rối ren. Dù hoàn cảnh khác nhau, những chuyện như trong nhà Vân không phải là hiếm. Nhưng chìa khóa để hóa giải là mỗi người biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để nghĩ.

Nếu Hồng Vân biết nghĩ hơn, cô sẽ hiểu rằng mẹ chồng cũng có rất nhiều việc phải lo. Riêng tiền đi đám giỗ, đám hỉ hay thăm nom ở quê đã rất nhiều. Chồng cũng từng nói với Vân về việc cha mẹ đã dồn mọi nguồn lực để lo cho anh ăn học, mẹ bỏ hàng tạp hóa lên trông cháu thì anh cần gửi lương cho cha mẹ, nhưng cô vẫn không thông. Rốt cuộc, chồng Vân đành vất vả “cày” thêm để tạo quỹ đen và có tiền gửi cho mẹ.  

Khánh Thi chia sẻ: “Thật ra nhiều lúc tôi cũng không bằng lòng với cách bà chăm cháu. Việc nấu ăn, dọn dẹp, bà cũng không làm tốt như người khác. Nhưng có những ngày tôi về muộn, nhìn bà đang đầu bù tóc rối bế đứa bé, nhắc đứa lớn học bài, tôi thương lắm. Tôi biết bà đã cố gắng hết sức rồi. Có mẹ ở trong nhà, đi đâu, làm gì cũng yên tâm vì chẳng ai thương cháu được như bà - đấy là giá trị lớn lao mà bao nhiêu tiền cũng không trả nổi”.

Theo phụ nữ TPHCM