Cháy với ông chồng “bốc hỏa”
Lần hiếm hoi, chị ngước lên, gương mặt và ánh mắt của chị khiến tôi phải giật mình, nó như chất chứa bao nỗi buồn và đau đớn. Bí ẩn ánh mắt này đã được giải mã khi bước vào phòng xử án. Chị ngồi vào vị trí của bị hại, nạn nhân, còn ở vành móng ngựa, chính là người đầu ấp tay gối với chị và cũng là người đã hủy hoại thân thể chị, hủy hoại cuộc đời chị bằng mồi lửa oan nghiệt.
Vị đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đọc cáo trạng: “Trên cơ sở kết quả điều tra đã xác định được như sau: S.A.K. sống chung như vợ chồng với chị Phạm Thị Th. từ tháng 9/2019 tại phòng trọ số 5, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM. Trong quá trình chung sống, cả hai có xảy ra mâu thuẫn nên ngày 11/4/2020, chị Th. bỏ về nhà cha mẹ ruột ở Tiền Giang, đến ngày 14/4/2020 thì chị Th. quay trở lại phòng trọ.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Lúc này, giữa K. và chị Th., tiếp tục xảy ra cãi vã nên K. đã lấy bình xăng loại 2 lít để trong phòng trọ (K. mua trước đó dùng để đổ vào xe) dùng tay bóp cho nắp bình xăng văng ra rồi đổ lên người chị Th. Chị Th. giằng lấy bình xăng ném xuống sàn nhà nên xăng có dính vào người K. một ít. K. lấy hộp quẹt gas, châm lửa châm vào người chị Th. làm lửa bốc cháy”.
Nghe đến đây, người phụ nữ chợt co người lại, hai tay đan chặt vào nhau. Một trong hai bàn tay chằng chịt sẹo phỏng và bị co rút, biến dạng. Đôi vai chị run lên, có lẽ chị đang khóc với ký ức khủng khiếp. Sau mồi lửa của chồng, người chị đỏ rực như cây đuốc sống. Chị lao ra khỏi phòng, hoảng loạn gào khóc, kêu cứu.
Lúc đó, một người hàng xóm nghe tiếng kêu cứu đã xông vào dập tắt lửa trên người chị Th. Khi tỉnh lại, chị Th. thấy mình bị băng bó trắng toát và đang ở Bệnh viện Chợ Rẫy.
Chị trải qua nhiều ca phẫu thuật ghép da, đến mức “tôi không còn da để ghép, mẹ tôi phải hiến da ghép. Tôi tuyệt vọng, đau đớn biết dường nào chỉ vì mồi lửa oan nghiệt mà thân thể tôi tàn phế, giờ tôi phải nghỉ làm, đi xin việc ở đâu cũng không ai nhận” - chị Th. uất nghẹn nói trong phiên xử.
Lúc này, K. cúi mặt, thỉnh thoảng len lén đưa mắt về phía người K. từng yêu tha thiết. K. không ngờ rằng, sự nóng giận của mình đã khiến vợ bị bỏng da 45%, tỷ lệ tổn thương cơ thể 64% (theo kết quả giám định thương tật).
Chỉ vì thấy “có lúc ảnh cũng hiền”
Vừa bước vào tuổi 34, nhưng chị Th. đã hai lần gặp bi kịch trong hôn nhân. Cuộc hôn nhân đầu tiên gãy đổ sau quá nhiều chuyện không vui. Vợ chồng chị ly hôn khi hai con còn thơ dại. Một bé theo cha, một bé sống cùng mẹ. Chị Th. gửi con trai ở nhà trẻ để đi làm. Có những ngày chị tan ca trễ, đứa trẻ bị mẹ đón muộn hốt hoảng và khóc tức tưởi, chị rất đau lòng. Chị thấy trong khu nhà trọ có một người chạy xe ôm công nghệ, nhiệt tình, vui vẻ và tin cậy nên chị thuê đưa đón con đến trường, nhờ làm giấy tờ, thủ tục nhập học cho con. Một thời gian sau, chị Th. và người đó về chung một nhà. Chị chỉ nghĩ đơn giản: “Hai người cô đơn nên góp gạo thổi cơm chung cho đỡ buồn”. Người chị Th. muốn sẻ chia buồn vui đó chính là S.A.K. - nhỏ hơn chị Th. năm tuổi.
Thế nhưng, ước muốn của chị Th. chẳng những không thành, mà còn khiến chị thêm một lần bất hạnh trong tình trường và trở thành người tật nguyền, mất sức lao động. Trong phiên tòa, K. khai nguyên nhân khiến K. xuống tay với chị Th. là do ghen tuông và nóng giận không kiềm chế được. Nghiệt ngã, tính nóng nảy của K. không phải mới có hôm qua, hay từ trên trời rơi xuống, mà chị Th. đã thấy, đã chứng kiến những cơn “bốc hỏa” của K. từ khi còn “nhà ai nấy ở, cơm ai nấy ăn”.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Chính chị Th., thừa nhận: “Lúc mới gặp cũng thấy K. nóng tính, nhưng cũng có lúc hiền”. Lý trí thấy rõ K. là người không ổn, với tính khí thất thường, nóng nảy khó kiểm soát. Nhưng con tim trống trải của chị Th. và sự bận bịu, đơn chiếc của một bà mẹ đơn thân khiến chị chỉ nhìn vào “cũng có lúc hiền”, chị khát khao “tôi từng đổ vỡ một lần nên muốn có người sẻ chia vui buồn”.
Vì vậy, chị bước vào cuộc sống chung với nhiều ước mơ, kỳ vọng. Nhưng đời không như là mơ. Trong quá trình chung sống, hai bên thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, cãi vã, đôi lúc có đụng tay đụng chân. Nguyên nhân chủ yếu do K. ghen tuông. K. bực vì chị Th. chưa cắt hộ khẩu khỏi nhà chồng cũ. K. suy diễn, cho là chị Th. còn muốn níu kéo, vương vấn tình xưa, dù chị Th. giải thích nhiều lần, do trục trặc giấy tờ, hành chính nên chưa cắt hộ khẩu được.
Sau những trận cãi vã đó, K. xuống nước làm lành nên chị Th. bỏ qua và vẫn tiếp tục gắn bó. Đến ngày 14/4/2020, ngay sau khi chị Th. vừa từ quê nhà trở lên, hai người cãi vã dữ dội và K. đã bất ngờ lấy xăng tưới lên người chị Th. và châm lửa. Nhìn ngọn lửa bùng lên và chị Th. oằn oại, K. mới bừng tỉnh. K. lấy mền trùm cho chị Th. và đưa chị vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu.
Chị Th. nằm viện cả tháng trời, trải qua nhiều ca phẫu thuật, viện phí hơn 200 triệu đồng, quá sức với một công nhân thu nhập chỉ vừa đủ nuôi con. Gia đình chị phải chạy vạy, vay mượn. Ra tòa, chị yêu cầu K. bồi thường 300 triệu đồng - là số tiền để chị có thể phần nào lo chi phí cho hành trình điều trị dài thăm thẳm. “Trên người em bị phỏng nhiều lắm, tại bên ngoài nhìn không thấy đó. Em phỏng hai tay, nách, vùng ngực, cổ… Sắp tới em còn phải đi thẩm mỹ mặt, cắt da ở nách, nhưng giờ trên cơ thể cũng không còn da để ghép. Bác sĩ nói phẫu thuật xong em phải tập vật lý trị liệu 1-2 năm mới có thể hồi phục vận động tay” - chị Th. chia sẻ với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM bên lề phiên xử.
Khi được nói lời sau cùng trước khi hội đồng xét xử tuyên án, K. nhìn về chị Th. tạ lỗi, mong chị Th. giữ sức khỏe và cố gắng trong cuộc sống. K. bị Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên phạt 11 năm tù về tội “giết người” và bồi thường cho chị Th. 200 triệu đồng.
Phiên tòa kết thúc, chị Th. nán lại ngoài cửa phòng xử và khi công an áp giải K. đi ngang, ánh mắt hai người chạm nhau, sầu não và đau đớn. Khi bóng K. khuất sau cánh cửa, xe chở bị cáo lao ra đường. Chị Th. đánh thượt tiếng thở dài: “Em không xin giảm nhẹ, không đòi tăng án. Giờ em chỉ thấy con đường phía trước của mình quá mịt mù, không biết những ngày tới phải sống làm sao?”.
Chọn người chung nhà nên suy xét kỹ
Lên nhầm kiệu hoa, được chồng như ý là tên của một bộ phim của Trung Quốc được khán giả Việt Nam yêu thích. Phim kể về hai cô gái đã lên nhầm kiệu hoa sau khi trú mưa trong ngày rước dâu, và sau một thời gian chung sống, hai cô nhận ra người chồng nhầm này chính là chân ái của đời mình. Có lẽ, đó chỉ là chuyện trong phim, còn ngoài đời, khi tiến tới hôn nhân mà chưa tìm hiểu kỹ, chưa rõ tính tình của người phối ngẫu thì cuộc sống chung sau này dễ “vỡ” ra nhiều thứ, khó mà hạnh phúc như lúc mới quen dệt mộng. Và bi kịch, bất hạnh của rất nhiều cuộc hôn nhân bắt đầu bằng chính sự lựa chọn không cân nhắc kỹ lưỡng. Có không ít người vì muốn có người bầu bạn mà cưới nhau, để rồi sau đó vẫn “bầu bạn” (chia sẻ gánh nặng, đón con), nhưng lại xung đột ở ngả khác - như chuyện chị Th. là người phối ngẫu nóng nảy, không cân bằng được giao tiếp…
Chẳng phải tự nhiên mà người ta khuyến khích hôn nhân phải dựa trên nền tảng tình yêu - yêu tức là hiểu, thương và chấp nhận mọi góc độ ưu khuyết của đối phương. Biết mạnh, biết yếu, để biết linh hoạt trong ứng xử, và nếu sáng suốt có thể dẫn dắt nhau vượt qua những khiếm khuyết của bản thân. Chọn một người chỉ để đưa đón đi làm, hay nấu nướng, đón con thì hẳn sẽ có một người tài xế đưa đón đi làm; một người đầu bếp; người đón con... chứ khó có một người bạn đời.
Theo phunuonline.com.vn