Chị Hạnh Dung kính mến,
Em năm nay đã 30 tuổi và có 2 đứa con: 1 gái 5 tuổi và 1 bé trai 9 tháng. Hiện em đang sống với mẹ ruột. Mẹ thường nói rất nhiều, dù là điều nhỏ nhặt nhất, khiến em rất khó chịu. Từ giày dép, quần áo đến những vật dụng trong nhà, mẹ bắt buộc phải để đúng vị trí. Em cảm thấy vô cùng mệt mỏi.
Tính mẹ rất khác biệt. Em đã ở với mẹ mấy năm nay, nhưng càng sống chung, em càng thấy sợ mẹ vì mẹ nói rất nhiều. Những lúc em dậy sớm đi làm, câu đầu tiên em được nghe không phải là động viên em, mà là bảo em mặc quần này không được, áo kia không được, giày nọ cũng không được. Rồi đầu cổ tóc tai phải thế này thế kia.
Mẹ rất kỹ tính. Nhiều lúc mẹ còn chửi khiến em phải khóc. Đến công ty thì áp lực công việc. Về đến nhà thì mệt mỏi với những câu nói của mẹ. Mẹ còn mắng chửi cả các con em.
Hiện tại em đang ở nhà. Cũng vì mẹ mà em mất cả công việc. Vì khi đi làm về, công việc áp lực, em cũng muốn tâm sự với mẹ, nhưng thay vì khuyên nhủ em cố gắng, thì mẹ lại mắng chửi em. Thậm chí mẹ còn đến tận nhà chị quản lý của em để nói cho ra lẽ. Khi em biết thì mọi chuyện đã quá muộn. Áp lực công việc càng nặng nề hơn, hậu quả là em phải nghỉ việc. Ở nhà lại càng kinh khủng hơn, vì hàng ngày phải nghe mẹ nói, em cảm thấy mình bị trầm cảm nặng.
Nhà chồng có 3 anh em trai. Chồng em là út. Hiện tại chồng em đi làm xa, bố chồng mất đã 1 năm, mẹ chồng thì ốm, không chăm sóc cháu, mà cũng không muốn em và cháu về ở cùng. Vì vậy em cứ phải ở nhà ông bà ngoại, và thường bị ông bà mắng chửi đuổi về nhà chồng. Nhiều lúc em cứ nằm khóc mà không biết tương lai sẽ đi về đâu.
Em còn nghe nhiều người bàn tán về gia đình em, có người còn nói mẹ em bị thần kinh. Em nghe, suy nghĩ và càng thấy áp lực hơn. Mẹ con ngày nào cũng cãi vã. Cuộc sống của em bế tắc quá chị ạ. Xin chị cho em lời khuyên.
Hang Chu Thi
|
Ảnh minh họa |
Em Hang Chu Thi thân mến,
Hạnh Dung cũng từng nghe, từng biết về những sự khó chịu của những đứa con khi bị mẹ cha nhắc nhở mọi thứ từ đầu tóc, quần áo, đến giày dép... Có lẽ đó là cái "tật" chung của nhiều ông bố và nhất là các bà mẹ.
Cái "tật" đó bắt nguồn từ tình yêu thương, sự quan tâm và nỗi lo lắng của họ đối với con cái. Họ lo con không đàng hoàng tươm tất khi đi ra ngoài, sẽ bị mọi người đánh giá, không được tôn trọng...
Nhiều đứa con bực bội, cáu kỉnh thậm chí gay gắt phản ứng lại khi bị bố mẹ nhắc nhở. Thế nhưng, cũng không ít người, khi cha mẹ mất đi rồi, lại nhớ đến những càm ràm nhắc nhở đó da diết, thậm chí mong được nghe lại, mong bị mắng mỏ như thế, dù chỉ thêm một lần nữa thôi.
Hạnh Dung nghĩ rằng lúc này đây, em đang gặp khá nhiều vấn đề riêng trong tâm lý của mình: chồng ở xa, con nhỏ, công việc không thuận lợi... Vì thế mà em bị stress, và càng trầm trọng thêm khi bị mẹ nhắc nhở, càm ràm.
Nhưng nếu nhìn lại một cách bình tĩnh, em sẽ hiểu vì sao mà mẹ lại làm như thế, để có thể tiếp nhận chúng một cách bình thản hơn. Ngay cả việc mẹ em tìm đến quản lý của em, cũng chỉ thể hiện sự lo lắng thái quá của mẹ cho em mà thôi.
Bên cạnh đó, em cũng thử xem lại cách sống của mình có thực sự là ngăn nắp và đúng đắn hay chưa? Có phải mình cũng không được cẩn thận, kỹ lưỡng lắm hay không? Nhìn lại để vui vẻ khắc phục, sửa chữa hay tranh luận nhẹ nhàng với mẹ về những điều mẹ không bằng lòng ở em.
Việc em có thể tâm sự với mẹ về công việc, đến mức mẹ bức xúc đi gặp quản lý của em, chứng tỏ rằng em và mẹ cũng vẫn có những khi có thể trò chuyện, chia sẻ với nhau những vấn đề quan trọng.
Em hãy tìm những dịp như vậy để khéo léo nói với mẹ rằng, em rất cảm ơn sự nhắc nhở của mẹ, nhưng em cũng đã lớn, đã là mẹ của hai đứa con, em không muốn bị mẹ áp lực lên cuộc sống của em quá nhiều.
Tuy nhiên, có một điều quan trọng nhất Hạnh Dung muốn nhắc em, là em đã có gia đình, có chồng và có con, nếu thật sự không muốn bị can thiệp vào cuộc sống riêng của mình, thì vợ chồng em phải có kế hoạch để có thể sống riêng: mua nhà, thuê nhà...
Khi em có thể độc lập lo cho cuộc sống của mình, không phải sống nhờ vào mẹ ruột, hay không có tâm ý trách móc cả gia đình chồng vì không đưa mình về sống chung, em sẽ được không bị mệt mỏi vì những điều nhận xét, nhắc nhở của bất kỳ ai nữa. Chỉ có trong ngôi nhà riêng của mình, mình mới có toàn quyền với cuộc sống của mình mà thôi.
Theo phụ nữ TPHCM