Kính gửi cô Hạnh Dung,
Tính tới nay, vợ tôi đã xé 13 cái áo thun của tôi. Tôi không tiếc mấy cái áo, mà tôi nghĩ hôm nào đó mình sẽ thành cái áo thun thứ 14 bị xé rách tơi tả, cắt vụn, chà đạp.
Tôi có lỗi với vợ con. Cách đây mấy năm, tôi có cảm nắng một phụ nữ. Cô ấy 1 mẹ 1 con, thuê chỗ bán quán gần nhà tôi. Tôi hay uống cà phê chỗ đó, lâu dần đi quá đà. Cô ấy chủ động rút lui, dắt con về quê, tôi không liên lạc được, sau này biết cô ấy lấy chồng, có con, tôi không nghĩ đến nữa.
Tôi hoàn toàn không biết tôi có con với cô ấy, cho đến khi đứa nhỏ bị bệnh lên thành phố chữa trị, cô ấy điện thoại cho tôi biết để tới bệnh viện thăm con. Tôi có gửi cho mẹ con ít tiền.
Vợ tôi phát hiện ra, suốt 2 tháng nay, nhà tôi trở thành địa ngục. Vợ tôi ngày nào cũng lên cơn ghen, đập bể gương kiếng, chén đũa, đồ đạc… Trong cơn ghen, chụp được cái gì là vợ đánh tôi bằng cái đó. Nhiều bữa tôi bị chảy máu, thân thể bầm tím.
Tôi xác định mình phải chịu trận cho bà ấy đánh, cho hạ hỏa, vì tôi có lỗi. Nhưng vợ tôi ngày càng điên giận nhiều hơn. Bà ấy lột áo thun tôi đang mặc, cắt xé tan nát. Tôi phải chạy lên lầu, đóng cửa phòng lại để tránh cái kéo trong tay bà ấy, nhưng lại sợ bà ấy tự cắt vô tay.
Vợ tôi vốn không phải là người hung dữ, không hiểu tại sao bây giờ đổi tính, mỗi cơn ghen tuông nóng lên không làm chủ được mình, cứ như trở thành người khác. Nhiều bữa nấu cơm xong dọn lên bàn rồi, bà ấy hắt nguyên tô canh nóng vô người tôi.
Nhà chỉ có 2 vợ chồng già đều hơn 60 tuổi cả rồi, chẳng lẽ lại phải gọi nhờ con cái. Tôi không biết thu xếp thế nào, xin lỗi vợ đến bao nhiêu lần, để bà ấy được tỉnh táo trở lại. Xin chị cho tôi lời khuyên…
Quang Đông (TPHCM)
Anh Quang Đông thân mến,
Trong gia đình, khi đã có 1 người không tỉnh táo mà người kia lại nghĩ mình phải “chịu trận” để người ta hạ hỏa, bớt giận thì sai rồi. Mối quan hệ hôn nhân, trong trường hợp này, là mối quan hệ không còn lành mạnh.
Có thể vợ anh đã bị tổn thương sâu sắc, tinh thần của chị ấy bị rối loạn, không còn làm chủ được hành vi. Trong cơn ghen giận mù quáng, chị ấy có thể rất bạo lực, làm tổn thương anh, làm tổn thương người khác và kể cả tự làm tổn thương chính mình.
Anh vừa là nguyên nhân, vừa là nạn nhân phải chịu đựng bạo lực từ cơn ghen giận đó, anh hình dung mình có thể nát bấy như 13 cái áo thun cũng không sai.
Không nên coi nhẹ, nhất là khi những cơn tái phát của chị ngày càng dày. Anh hãy xác định đây là bệnh tinh thần, cần chữa trị cho vợ. Nếu cứ để chị nhà trong tình trạng này, hậu quả có thể nặng nề, nguy hiểm; bản thân anh sống trong hoàn cảnh này cũng sẽ gặp rủi ro về thể chất lẫn suy giảm sức khỏe tinh thần.
Người ta hay cho rằng bạo lực gia đình do nam giới gây ra, nhưng thực tế phụ nữ cũng có thể gây ra bạo lực gia đình. Chị em hay cho rằng đầu tiên là lỗi của chồng, nguyên nhân là bị uất ức dồn nén từ những hành vi trước đó của chồng; chị em không ý thức được mình là người bạo hành nên càng nguy hiểm hơn.
Anh hãy nói chuyện với các con, cứ thẳng thắn nhận lỗi của mình. Ai sai thì phải sửa, nhưng không phải đem thân thể, sinh mạng của mình ra trả giá.
Các con anh có thể trò chuyện với mẹ, giúp chị nhà ổn định tinh thần. Nếu cần, các con có thể giúp mẹ đi nghỉ ngơi đâu đó cho khuây khỏa hoặc trị liệu, tư vấn tâm lý nếu cần thiết.
Anh cần giữ khoảng cách nhất định để không làm bộc phát các cơn kích động của chị. Mục tiêu lúc này là chị nhà ổn định được tinh thần, vợ chồng đều tỉnh táo tinh thần thì mới mong gìn giữ gia đình được. Mong là nỗ lực của anh sẽ có kết quả.
Theo phụ nữ TPHCM