Trước tết, xin địa chỉ để gửi món quà, tôi mới hay tin Tùng đã đổi chổ ở. Tùng về nhà ông bà nội ở Đồng Nai, vợ con vẫn ở TPHCM.

15 năm trước, Tùng cưới cô bạn học của tôi. Cô ấy tiểu thư, con nhà gia giáo. Trước khi kết hôn, ông bà ngoại đã mua căn hộ chung cư cho con gái. Ai cũng nói Tùng “sa chĩnh gạo”, cuộc sống cứ từ đây mà đi lên thôi, không cần bạc tóc lo chuyện nhà chuyện cửa nữa.

Tuy nhiên, ngay 5 năm đầu hôn nhân của cậu ấy đã đầy sóng gió. Do 3 đứa em gái còn nhỏ dại, Tùng vẫn phải nuôi từng đứa học đại học rồi ra nghề. Tiền nong cậu làm được hầu như chỉ để trang trải cá nhân và nuôi em, biếu cha mẹ; không góp gì được cho gia đình nhỏ.


leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Vợ Tùng thuở xưa ái mộ chàng trai bảnh bao ấm áp, biết hy sinh bản thân và dồn mọi điều tốt đẹp cho các em; cô gạt hết những khuyên lơn của cha mẹ, bạn bè, lao vào mối tình với cậu sinh viên nghèo. Thế nhưng theo thời gian, vợ Tùng dần lợt lạt lòng hâm mộ, đặc biệt sau khi cô con gái cưng ra đời.

Có con, cô chăm chút và dành mọi yêu thương cho bé, bày tỏ sự bất mãn với Tùng vì anh không chịu mang tiền về cho vợ mà chỉ chăm “mang tiền về bên nội”. “Ba mẹ em thuở xưa làm ngành y, suốt ngày họ ở bệnh viện và phòng khám; em lớn lên không thiếu thốn vật chất nhưng thiếu thốn tình cảm, con em cần một gia đình khác. Có chồng thiếu trách nhiệm với vợ con thế này, thà em không có còn hơn” - cô tâm sự với tôi.

Sống với người chỉ hướng về bên nội, cô luôn có cảm giác tủi thân, bị bỏ rơi, giống như cảm giác bị cha mẹ bỏ rơi thuở nhỏ. Căn nhà chung cư ông bà ngoại cho 10 năm nay chưa sửa sang, trong khi căn nhà ông bà nội ở quê nay đã xây khang trang 3 lầu với 4 phòng ngủ.

Cô nói, Tùng quan niệm, con người sống trên đời phải hiếu thuận - coi cha mẹ, anh em là trên hết. Sau khi đàn em 3 đứa lần lượt học xong đại học, có nghề nghiệp tốt, có gia đình riêng thì cha mẹ anh cũng vào tuổi đau bệnh.

Tùng nhận trách nhiệm gửi tiền nuôi 2 ông bà nay đi bệnh viện tỉnh, mai đi bệnh viện trung ương; ngoài ra cậu còn phải đóng góp rất nhiều khoản trong dòng họ. Vợ hỏi tới tiền, cậu phân bua không đủ cho kế hoạch A, kế hoạch B; mà mọi kế hoạch đều không có bóng dáng vợ con.

Tôi phân tích với vợ Tùng: “Hay chính bạn làm hư chồng? Vì cha mẹ vợ giàu, vợ có thu nhập ổn định, việc ở gia đình nhỏ luôn ổn thì cậu ta đâu cần phải đóng góp hay nhúng tay vào việc nhà”.

Mới đây, tôi hay tin, Tùng từ nhà nội đã trở về thành phố, sống với vợ con. Thì ra, trong thời gian nghỉ tết không có vợ con bên cạnh, anh mới biết ý của vợ “nếu chồng cứ xem nhẹ vợ con, coi trọng anh em họ hàng thì vợ phải làm giấy tờ rạch ròi chuyện tài sản, để tích lũy cho con và cho tuổi già của vợ”. Anh cũng biết vợ anh đã nghĩ được, nói được là làm được.

Tùng cũng biết, tuổi già của Tùng cũng không còn xa nữa. Lúc đó, có vợ con bên cạnh có vẻ hợp lý hơn là bên anh em, cha mẹ. Tùng biết anh phải thay đổi. 

Theo phụ nữ TPHCM