Tôi có nhóm bạn chơi thân từ hồi mới vào đại học. Ở cùng thành phố nhưng khá cách xa nhau, đứa ở tận Bình Chánh, đứa giáp với Biên Hòa. Vì vậy mà mỗi lần tụ tập, thường chọn địa điểm giữa đoạn đường ấy cho tiện việc đi lại, là quán cà phê hay quán ăn ở khu vực nhà Mai. Có khi đến thẳng nhà Mai.
Mỗi lần nhóm gợi ý đến nhà Mai, cô ấy nói: “Để hỏi đầu bếp rảnh ngày nào đã nha!”. “Đầu bếp” chính là người chồng đã ly thân của Mai. Vài lần ăn uống no căng bụng, cả nhóm chúng tôi mới biết họ đang ly thân.
Chồng Mai nấu ăn rất ngon, lại nhiệt tình với bạn bè. Mỗi lần đến chơi là nhà ồn ào như cái chợ, tiếng nói, tiếng cười đan xen, chẳng có chút khoảng lặng nào để cho chúng tôi ngờ ngợ ra điều gì. Ăn xong còn bày trò gì đó chơi cùng nhau, rồi cãi nhau chí chóe như thời còn học đại học.
|
|
Đến nhà bạn, chúng tôi chỉ việc ngồi vào bàn và ăn thật ngon miệng (ảnh minh họa) |
Duy chỉ một chi tiết mà tôi có hơi khựng lại, đó là sau mỗi lần chụp hình, Mai đều nhắc cả nhóm đừng đăng hình có gia đình Mai lên mạng xã hội. Tuy thắc mắc, nhưng tôi cũng không để bụng vì nghĩ do tính chất công việc của Mai. Vả lại, đó là quyền riêng tư nên khi họ đã nói ra, mình cần tôn trọng.
Đến khi cả nhóm biết, chúng tôi ngập ngừng khi chọn địa điểm gặp gỡ, vì liệu cứ hồn nhiên như vậy có phiền cho chồng Mai quá không? Mai nói không đâu, anh ấy cũng thích nên mới mời bạn bè đến mà. Trong đầu tôi lại hiện lên một ý nghĩ khác, chồng Mai lý tưởng vậy, sao họ lại ly thân? Nhưng xem ra, bất cứ quyết định nào thì người trong cuộc cũng đều có lý của họ. Người ngoài cuộc nhìn theo lăng kính của mình rồi nhận định hay phán xét, thì cũng chỉ đúng trong ý nghĩ của người ngoài mà thôi.
Giống như mỗi lần ai đó hỏi tôi về một địa điểm du lịch, hay quán ăn, nếu là trước đây, tôi tự tin khẳng định đó là quán ngon nhất ở vùng đó, hay sẽ là thiếu sót nếu không ghé tham quan địa điểm kia… Sau này nhìn lại, thấy mình cũng chỉ là “thầy bói mù xem voi”, vì mỗi người mỗi cá tính, sở thích khác nhau. Và bản thân mình cũng chỉ hạn hẹp trong một số thông tin mình biết, còn số không biết ngoài kia là vô hạn… Nên giờ có ai đó hỏi, tôi cẩn trọng hơn khi đưa ra câu trả lời, và cũng chỉ dám nói rằng nơi đó, quán đó bản thân mình trải nghiệm thấy tốt…
Để bạn bè không ngại khi đến nhà, Mai còn kể thêm rằng, chồng Mai vẫn kiêm việc đầu bếp cho cả nhà, gồm Mai và 2 đứa con. Nghĩa là, ngoài việc thỏa thuận ly thân để cả 2 được tự do sống phần đời của mình, bao gồm việc tìm đối phương phù hợp hơn, thì cuộc sống của họ trong căn nhà ấy chẳng có gì thay đổi. Vẫn ai làm việc của người đó như trước đây.
Mai kể, từ ngày lấy nhau đến giờ, Mai không phải vào bếp. Chồng Mai ngay từ đầu đã tiếp nhận chuyện đó một cách dễ dàng. Có lẽ vì anh ấy đam mê nấu ăn. Anh ấy còn định khi nghỉ hẳn việc, sẽ chuyên tâm mở một nhà hàng nhỏ. Mai cũng thấy được niềm vui trong mắt anh khi nấu thành công món ăn theo công thức của mình và được mọi người khen ngợi…
Mai có vài lần vào bếp, đó là khi chồng bị cảm, cô muốn tự tay nấu món cháo bổ dưỡng cho chồng. Nhưng nhìn vẻ cực khổ của vợ mỗi khi vào bếp, dù chẳng phải nấu nướng cầu kỳ gì, anh lại bật cười.
Dần dà, Mai cũng chẳng thấy có gì là bất thường khi việc bếp núc không phải của người phụ nữ. Mỗi người có mỗi khả năng riêng, mà họ chỉ làm tốt trong khả năng của họ, vậy thì làm sao bắt một kẻ vụng về vào bếp?
“Vậy nên, chừng nào còn ở chung nhà thì anh ấy vẫn là đầu bếp” - Mai nhắn vậy và thả thêm icon mặt cười ha ha.
Tiệc cuối năm, chúng tôi vẫn quyết định tụ tập nhà Mai. Trong không gian ấm cúng ấy, tôi vẫn tin trong tương lai sẽ có cái kết khác với hiện trạng của họ. Ba mươi vẫn chưa phải là tết cơ mà!
Theo phụ nữ TPHCM