leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Tôi kết hôn sau khi tốt nghiệp đại học. Chồng là bạn thời đại học, tưởng đã quá hiểu nhau, nhưng khi về chung một nhà tôi mới phát hiện một phiên bản khác của anh: ham chơi, vô trách nhiệm và vô tâm. Nhiều lần, nửa đêm, một mình tôi bồng con đi cấp cứu vì con sốt, lên cơn suyễn. Tôi quyết định ly hôn sau 6 năm chung sống.

Cuộc chia tay giúp tôi nhẹ lòng. Lương giáo viên và tiền dạy thêm tiếng Anh của tôi đủ để 2 mẹ con sống thoải mái. Tôi nghĩ đời mình cứ thế trôi qua và không có ý định lập gia đình. Thế rồi tôi gặp M. - một hiệu trưởng điềm đạm, cũng đã một lần đò. Sự đồng cảm của người cùng nghề đã kéo chúng tôi đến với nhau và gần 1 năm sau, chúng tôi kết hôn.

Tôi chuyển về dạy ở trường anh. Tôi cũng đưa con trai về sống cùng như đã thỏa thuận với anh từ khi mới quen. Con tôi (10 tuổi) và bé K. (11 tuổi) con anh đều hiếu động nên thường đánh lộn, gây gổ vì đủ thứ lý do. Mâu thuẫn thường xuyên và nhiều nhất giữa chúng vẫn là: “Ba tao thương tao hơn/Mẹ tao thương tao hơn”, “Mày bị mẹ bỏ/Mày bị ba bỏ”… Không đứa nào nhường đứa nào.

Mỗi lần 2 đứa trẻ gây thì mẹ chồng luôn cho rằng con tôi có lỗi. Ngày nào mẹ chồng cũng đem chuyện mâu thuẫn trẻ con ra chì chiết, khiến vợ chồng tôi rất căng thẳng. Con tôi cũng trở nên cáu gắt, ương bướng khi không thể hòa hợp với cuộc sống chung.

Tôi buộc lòng gửi con về ngoại. Những tưởng sóng gió đã yên. Nhưng, mẹ chồng chuyển sự khó chịu sang tôi. Mẹ xét nét khi tôi đi dạy về không kịp nấu cơm. Mẹ thường xuyên mắng vốn chồng tôi là tôi lười biếng, trả treo với mẹ và không thương con chồng. Đến khi tôi sinh bé Nấm thì càng chịu áp lực nặng nề của nhà chồng. Tôi cô độc trong ngôi nhà rộng lớn khi chồng tôi cũng đứng về phía mẹ. Sự đồng cảm của anh với tôi ngày xưa đã biến mất.

Nhiều ngày liền, tôi loay hoay trong suy nghĩ: tiếp tục hay buông tay. Viễn cảnh miệng đời mai mỉa: “Cô giáo mà ly hôn 2 lần” khiến tôi có chút e dè. Nhưng hơn hết, chỉ mới lựa chọn lần 2 mà chúng tôi đã đối mặt với áp lực “con anh, con tôi, con chúng ta”, giờ nếu lại buông bỏ, những đứa trẻ sẽ ra sao? Nuốt mọi tủi cực vào lòng, tôi quyết định làm một ván cược, cũng là cho mình thêm một cơ hội.

Lần đầu tiên, tôi cả gan đề nghị mẹ chồng và chồng họp gia đình. Không còn sợ hãi và nín nhịn, tôi thẳng thắn nói ra tất cả suy nghĩ, mọi ấm ức và đưa ra lựa chọn: nếu vẫn sống như hiện tại, mẹ con tôi sẽ rời đi, chấp nhận chia tay. Tôi có nghề nghiệp nên có thể tự nuôi con. Nếu muốn tiếp tục cuộc sống vợ chồng, tôi cần được nhà chồng thông cảm, sẻ chia và tôn trọng. Hôm ấy, mẹ chồng tôi có vẻ rất bất ngờ, bà im lặng. Còn chồng, anh nhìn vào ánh mắt quyết tâm của tôi thì biết tôi dám nói dám làm.

Sau cuộc họp gia đình, tôi bồng bé Nấm về ngoại thăm con trai lớn, cũng là thời gian để chồng suy nghĩ và quyết định. Đến ngày thứ ba, anh chạy xe về quê đón cả ba mẹ con tôi. Anh kể đã nói chuyện với mẹ, mong bà hiểu và không can thiệp quá nhiều vào cuộc sống gia đình chúng tôi, để việc nuôi dạy các con cho vợ chồng tôi định liệu. Từ nay về sau, anh hứa sẽ đứng về phía vợ để cùng nhau xây dựng hạnh phúc.

Tôi thở phào nhẹ nhõm khi biết mình đã thắng trong ván cược lần này, thầm cảm ơn dũng khí đã giúp mình dám sống thật với lòng. Nếu ngày đó tôi chọn âm thầm rời đi hoặc im lặng chịu đựng, tôi đều sẽ hối hận. Dẫu biết hành trình của chúng tôi vẫn còn nhiều chông gai phía trước, tôi tin hạnh phúc sẽ đến với những ai có tình, có lòng và có cả sự mạnh mẽ, quyết tâm.

Theo phụ nữ TPHCM