Mở điện thoại sau một cuộc họp, Quang thấy nhiều cuộc gọi lỡ của mẹ, đoán là có chuyện anh liền gọi lại ngay. Vừa bắt máy, mẹ Quang đã nói ngay: “Con chuyển cho mẹ 50 triệu để giải quyết việc này gấp lắm”.
Quang hỏi rõ chuyện gì thì mẹ chỉ nói qua loa: “Chuyện của chị Quỳnh, giờ chỉ biết trông cậy vào con”.
Sau một hồi vòng vo, mẹ mới nói thật: “Chị dính vào đường dây lô đề, mới bị bắt lên phường rồi, giờ phải chạy chọt để xin ra”. Quang bực mình gắt: “Để vợ chồng chị tự lo, đã bảo bao nhiêu lần là bỏ cái nghề đó đi. Mà con cũng không sẵn tiền”.
Quang cúp máy trước sự ngỡ ngàng của mẹ, nhưng thật sự lần này anh không thể cố được nữa. Cứ dăm bữa nửa tháng, dưới quê lại có chuyện, mọi người lại bấu víu vào Quang. Anh ngán đến nỗi dịp ngày phép, nghỉ lễ cũng không dám về quê.
Nhà Quang có 4 anh chị em, 3 trai, 1 gái, tất cả đều đã có gia đình, trừ Quang. Sau khi chia tay mối tình đầu gắn bó hơn 10 năm, Quang bị “sốc” tâm lý, không thể mở lòng với ai được nữa.
Ở tuổi 43, anh có sự nghiệp nhờ tập trung sức lực, thời gian để phát triển, không vướng bận gì chuyện vợ con. Trong nhà chỉ có Quang học hành thành đạt còn các anh chị em đều ở quê, làm nghề tự do hoặc buôn bán.
Trái ngược với các gia đình khác, cha mẹ anh em của Quang không hề hối thúc chuyện kết hôn mà thậm chí vui vẻ khi anh độc thân. Họ xem anh như một chỗ để nhờ vả. Lúc đầu, Quang cũng giúp đỡ tất cả, nhưng càng ngày càng nhiều chuyện khiến anh thấy mệt mỏi.
Quang chỉ muốn sống bình yên tận hưởng cuộc sống theo cách riêng của mình, tích lũy cho tương lai để sau này không phiền đến ai. Anh đã xây lại nhà cho cha mẹ, chuẩn bị tươm tất khu nghĩa trang của gia đình, hàng tháng đều đặn chu cấp 10 triệu đồng để lo chi phí sinh hoạt cho cha mẹ. Vậy mà, mỗi lần cha mẹ ốm đau, 3 anh chị em ở quê đưa đi bệnh viện nhưng luôn chuyển hóa đơn viện phí để Quang thanh toán.
Trong mắt anh chị em, Quang không phải lo cho ai nên gánh phần đó là điều hiển nhiên. Dù so với Quang, kinh tế của các anh chị em không hề khó khăn hơn.
Chuyện gì liên quan đến tiền bạc, người thân cũng gọi anh để giải quyết. Anh Hai xây nhà, chị Quỳnh mua xe, em út đi học đều mượn tiền của Quang nhưng không hẹn thời hạn trả. Quang kẹt tiền hỏi thì đều nhận được câu trả lời nửa đùa nửa thật: “Lúc nào cưới vợ rồi trả, giờ đã cần dùng đâu”.
Khi về quê, cả nhà đi chơi đi ăn ở đâu, Quang cũng là người gánh toàn bộ chi phí. Mặc dù muốn gia đình vui nhưng dần dần Quang cảm thấy mọi người xem đó là nghĩa vụ của anh chỉ vì nghĩ anh kiếm được tiền mà không vướng bận. Tuy nhiên công việc làm ăn có lúc lên lúc xuống, đến khi gặp khó khăn Quang hỏi mượn tiền thì chẳng ai giúp.
Nửa năm trước, Quang đổi nhà sang căn hộ chung cư ở trung tâm thành phố, cả gia đình từ quê lên chơi. Thay vì chúc mừng tân gia thì các anh chị em đã tính toán sẽ lần lượt cho các cháu lên ở cùng Quang để học đại học, mọi chuyện sắp xếp như việc lo cho cháu là trách nhiệm của anh.
Ngay hôm đó, Quang cũng nói rõ quan điểm của mình, cháu lên thành phố học thì sẽ hỗ trợ thuê nhà chứ không sống chung vì anh còn nhiều mối quan hệ và công việc cần không gian riêng. Sự thẳng thắn của Quang làm mọi người phật ý.
Cách đây 4 tháng, anh trai Quang buôn đất thua lỗ cả tỷ đồng, mẹ lại sốt sắng gọi cho Quang để giúp đỡ. Số tiền lớn như thế nhưng không đành lòng nhìn anh chị bị xiết nhà, anh phải vay mượn thêm để trả phần tiền lãi, còn các khoản khác để nhà anh trai tự lo. Nhưng cứ đến cuối tháng, mẹ lại hối thúc Quang gửi tiền trả nợ cho anh trai.
Giờ đến lượt chị gái, mẹ lại hốt hoảng gọi, hết khóc lóc đến năn nỉ. Nhưng lần này Quang quyết buông tay. Anh tắt điện thoại, không nhận bất cứ cuộc gọi nào từ người thân vì quá mệt mỏi. Dù độc thân nhưng Quang cũng không đủ sức gánh vác giải quyết hết các rắc rối tài chính của gia đình!
Theo phụ nữ TPHCM