Chị Hạnh Dung thân mến,

Chồng em và 1 cô gái nhắn tin. Nhưng em vô tình phát hiện tin nhắn nói: "Anh Hải xóa tin nhắn đi. Lỡ say xỉn không xóa kịp". Ảnh trả lời là xóa rồi.

Khi em đọc tin nhắn ấy em rất nghi ngờ vì thấy 2 người đi làm cùng cơ quan cũng thân nhau lắm. Em có linh cảm là mối quan hệ này không an toàn. Nhưng em không có bằng chứng cụ thể. Em chỉ chụp lại tin nhắn ấy và lưu lại.

Không biết em có nên hỏi trực tiếp chồng tại sao 2 người nhắn tin mà phải xóa tin. Rút cuộc 2 người có mối quan hệ gì?

Xin chị cho em lời khuyên.

Mai

leftcenterrightdel
 

Em Mai thân mến, 

Trước mắt thì Hạnh Dung đã thấy như em nói: 2 người có mối quan hệ đồng nghiệp thân thiết. Thời gian những người làm chung 1 công ty phải ở cạnh nhau là rất nhiều: ít nhất 8 tiếng 1 ngày. Họ lại có chung những lợi ích rất lớn từ công việc, nó có thể là việc khen thưởng, việc tiền bạc, việc hỗ trợ nhau trong khó khăn, thậm chí là những nghỉ ngơi thư giãn chút ít trong khi làm việc.

Chính vì thế, họ có thể có nhiều việc nói với nhau mà không muốn người khác biết, nhưng những chuyện đó không nhất thiết là chuyện tình cảm. Nó có thể là những bất mãn, bực bội, khó khăn ngấm ngầm trong công việc, giữa các đồng nghiệp hoặc thậm chí với sếp. Chuyện đó hoàn toàn không hiếm.

Hạnh Dung nghĩ rằng em nên quan tâm đến những việc xảy ra trong công ty, xem họ có thể có những việc gì đó cần chia sẻ với nhau hay không? Tình hình công việc của họ có thuận lợi không? Họ có phải là những đồng nghiệp tốt của nhau, nghĩa là những người có thể bảo vệ, che chắn cho nhau khi môi trường làm việc có vấn đề hay không?

Trong khi trò chuyện, em có thể khéo léo tìm cách hỏi về mối quan hệ của chồng em với người đồng nghiệp nữ kia. Hãy hỏi một cách tự nhiên, thậm chí vui vẻ, thân thiện như là em rất yên tâm, vì ở nơi làm việc, chồng không bị cô lập, có bạn bè đồng nghiệp thân. 

Thế nhưng khéo léo lồng vào đó, là em thể hiện sự quan tâm của mình với mối quan hệ đó, muốn biết những thông tin cụ thể về tình bạn đó, muốn ở trong vòng quan tâm, quen biết lẫn nhau để không có gì là bí mật với nhau, để cô ấy cũng thoải mái hơn, và em cũng thoải mái hơn.

Đây là những cuộc trò chuyện tế nhị, khéo léo và tự nhiên mà em cần phải có được, và nó chỉ có thể có được khi em thể hiện rằng em tin đó là mối quan hệ bình thường và tin vào chồng em. Tuy nhiên, em cũng có thể nhắc nhở chồng em dù thân mấy cũng nên có khoảng cách nhất định, tránh những chuyện đồn thổi không hay, tránh những hiểu lầm không đáng có, thậm chí là của chính 2 người trong cuộc.

Việc hỏi thẳng chồng em có nên hay không, thì theo Hạnh Dung còn tùy ở tính cách chồng em. Anh ấy có phải là người ghét ai động chạm vào đồ vật riêng tư của anh ấy không? Có ghét bị dò xét, xét nét, nghi ngờ khi chưa có chuyện gì lớn hay không? Tính cách anh ấy có xởi lởi, dễ thông cảm, dễ bỏ qua những điều không như ý hay không?

Nếu anh ấy có những tính cách đó, thì câu hỏi của em sẽ làm giảm bớt một vài điều có thể đang tốt đẹp trong mối quan hệ của em và chồng, có thể khiến chồng em khó chịu, đề phòng và mất đi sự tôn trọng nào đó với vợ mình, vì coi thường những hành động lén lút kiểm tra...

Thêm một điều, thông thường trong những trường hợp như thế này, nếu giữa 2 người đó không có chuyện gì thì em sẽ gây thành chuyện giữa em và chồng, nếu em hỏi không khéo. Còn nếu có, chắc chắn với bấy nhiêu bằng chứng, chồng em cũng sẽ chẳng chịu thú nhận gì, mà chỉ đề phòng, cẩn thận, che giấu kỹ lưỡng hơn mà thôi. Vậy, cái gì không ích lợi, thì làm làm gì?

Phòng thủ tốt, đôi khi là sự tấn công hiệu quả. Hãy áp dụng phương pháp này trong gia đình nhé em: Phương pháp tốt nhất để bảo vệ hạnh phúc gia đình mình, là hãy bảo vệ nó từ bên trong, bảo toàn sự bình yên, tin tưởng, nhẹ nhàng từ bên trong, thì mới chống được "giặc ngoài".

Theo phụ nữ TPHCM