Đang làm việc, tôi nhận được tin nhắn của thím ở quê: “Nếu mẹ con có gọi về quê làm giấy tờ thì đừng về nha. Để thím tìm cách khuyên mẹ con đã”.

Không hiểu chuyện gì, tôi điện thoại lại và nghe thím kể chuyện “đại sự”: Mẹ tôi sợ chẳng may có chuyện gì đột ngột mà không kịp để lại di chúc, rồi gia đình lại bất hòa xào xáo như nhà kế bên, nên mẹ muốn lên huyện công chứng bản di chúc.

Theo thím, di chúc của mẹ viết để lại 20 sào ruộng cho em gái tôi, phần nhà đất và 50 sào ruộng còn lại là phần dành cho cháu nội - con trai người anh đã mất của tôi. Tôi sẽ là người quản lý số tài sản đó cho đến khi cháu đủ 18 tuổi nếu chẳng may mẹ tôi mất. 

Mẹ muốn tôi về chứng kiến mẹ lập di chúc để tài sản cho cháu, tôi chỉ quản lý giúp. (Ảnh minh hoạ)
Mẹ muốn tôi về chứng kiến mẹ lập di chúc để tài sản cho em và cháu, tôi chỉ quản lý giúp số đất ruộng cho tới khi cháu 18 tuổi (ảnh minh hoạ)
 

Nghe thím nói, tôi lặng người. Ba tôi mất vì bệnh khi tôi 18 tuổi, biết mẹ sẽ vất vả nên sau khi học xong lớp 10, tôi học trung cấp nghề để được miễn học phí và tranh thủ đi làm thêm, tự trang trải cuộc sống. 

Sau khi ra trường và có việc làm, tôi nhịn ăn nhịn mặc để gửi tiền về phụ mẹ nuôi em, vì lương anh trai tôi chỉ đủ mình anh tiêu xài. Lâu lâu tôi nghe mẹ than phải cho tiền anh mua xe, đóng tiền giỗ họ… tôi lại gửi thêm tiền. 

Đám cưới anh và đám cưới em gái, tôi đều phải gửi tiền về quê để mẹ mua nữ trang cho cô dâu mà không phải bán đất. Mẹ bảo: “Thì coi như mẹ mượn con vậy. Khi nào bán đất mẹ sẽ trả con”. 

Anh tôi ham chơi nên lấy vợ trễ. Cưới vợ được 3 năm, chẳng may anh bị tai nạn giao thông rồi mất. Chị dâu sau đó không lâu đã đem con trai 1 tuổi qua giao cho bà nội, để rảnh tay đi làm kiếm tiền nuôi con. Chị đi đến nay chưa một lần quay về, tiền nuôi con cũng không thấy gửi.

Mẹ tôi mắt mờ chân chậm ngày ngày vẫn phải chăm sóc đứa cháu nội. Hàng tháng, ngoài tiền gửi cho mẹ chi tiêu, tôi còn gửi dư tiền để bà đỡ vất vả khi nuôi cháu. Ấy thế nhưng tháng nào tôi cũng nghe bà than thiếu.

Tôi thử tìm hiểu thì được biết, do bà quá cưng chiều cháu nội. Thằng bé sang hàng xóm chơi thấy bạn có con nai nhún và thèm, thế là hôm sau bà mua ngay một con nai cho. Thấy bạn có chiếc xe ô tô điều khiển, thằng bé về đòi bà mua, bà đáp ứng ngay…

Tôi trách bà chiều cháu, mẹ tôi lại ầng ậc nước mắt: “Thì mẹ thương nó. Mất cha, lại thiếu thốn tình mẹ. Mà anh con để lại có chút đó...”.

Em gái tôi chẳng phụ giúp gì cho mẹ, lại thường về nhà nhặt nhạnh, xin đồ mang đi. Ấy thế nhưng mẹ tôi luôn khuyến khích: “Con cứ lấy đi. Chị con sẽ mua cho mẹ thứ khác. Lo gì!”. 

Tôi biết mình cần sắp xếp lại cuộc đời của tôi để tôi sẽ không lạc lõng với quyết định của mẹ. (Ảnh minh hoạ)
Tôi biết mình cần sắp xếp lại cuộc đời để tôi sẽ không lạc lõng, bơ vơ với quyết định của mẹ (ảnh minh hoạ)

 

Theo lời thím tôi, mẹ tôi nói vợ chồng em tôi nghèo, phải nuôi 3 đứa con nên mới cho một phần đất. Riêng tôi, do không chồng con, nên có để nhà đất gì thì sau này thế nào tôi cũng chuyển lại cho cháu. Vả lại mấy năm nay tôi có thiếu thốn gì đâu, nên về sau cũng sống tốt, không cần phải lo. Cháu tôi côi cút, sau này còn phải tính chuyện vợ con. Bây giờ tôi lo cho cháu, sau này tất nhiên cháu sẽ lo lại cho tôi.

Tối hôm nhận tin mẹ lập di chúc, tôi không khóc được mà lòng muốn vỡ òa. Hoá ra, vì lý do tôi độc thân nên mẹ đã gạt tôi ra khỏi danh sách cần chia tài sản của bà.

Bao nhiêu năm qua tôi đã từ chối nhiều người đàn ông vì sợ mình nặng gánh gia đình, sẽ làm vướng víu người ta. Từ giờ tôi sẽ yêu thương bản thân mình hơn, cho người đến với mình cơ hội để song hành trên một con đường. Dù biết hôn nhân có thể sẽ có bão táp, nhưng có một bàn tay, một bờ vai để chia sẻ, sưởi ấm thì tôi tin mình sẽ bớt chông chênh. Ít nhất tôi sẽ không có cảm giác cô độc, tức tưởi như lúc này, chứ không phải tôi kết hôn để mong mẹ chia đất.

Trong lúc thím tôi nói chờ mẹ "tính lại", tôi vẫn hi vọng mẹ thử lòng tôi như ngày còn bé, khi mẹ giao việc khó để xem tôi giải quyết ra sao...

Theo phụ nữ TPHCM