Ngày con còn nhỏ, có những lúc bản thân gần như không còn chút sức lực nào từ thể xác đến tinh thần nhưng đến giờ con ngủ, tôi nhớ mình vẫn cố hát ru, nước mắt cứ lem nhem trên má: “Mồ côi tội lắm ai ơi. Đói cơm khát nước biết người nào lo”.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Lúc ấy, tôi hay nghĩ đến bản thân, nghĩ đến những bàn chân hãy còn hồng hồng như đứa trẻ mình đang ôm trong tay, nếu một ngày không còn ba còn mẹ, sẩy chân một mình suốt chặng đường đời còn lại, sẽ như thế nào?
Mồ côi là nỗi bất hạnh lớn nhất đời người. Chắc chắn thế!
Vậy mà, chỉ tính theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, hơn 1.500 đứa trẻ đang ở độ tuổi đến trường, trong đó 1/3 là trẻ tiểu học, đang mang nỗi bất hạnh quá lớn này.
Những đứa trẻ bỗng nhiên côi cút khi bốn tháng đại dịch COVID-19 quét qua thành phố này. Những đứa trẻ ấy mỗi sớm mai còn cần ba mẹ gọi dậy, tết tóc, đưa đón, nhắc nhở, che chở, bảo vệ, uốn nắn, dạy bảo…
Rồi mai này, một sáng nào đó ta gọi con thức dậy, giục ăn sáng, uống sữa. Rồi mai này, mùa hè ta đưa con đi chơi đâu đó, sinh nhật con, lễ Giáng sinh, dịp năm mới mua những món quà tặng con, có mặt bên con ngày tốt nghiệp hay dựng vợ gả chồng, nếu có giây phút nào nghĩ đến những đứa trẻ mồ côi hôm nay, có lẽ đến gỗ đá vô tri cũng phải thương phải xót.
Tôi cứ muốn nhắc đến những đứa trẻ này nhiều lần để mình không được quên, để khắc ghi những bất hạnh đang có quá nhiều ngoài kia. Tôi muốn nhắc để không ngừng nguyện cầu bình an cho các con. Tôi muốn nhắc để biết ơn vô hạn những vòng tay đang dang ra che chở, ủ ấm cho những con chim chưa đủ lông đủ cánh không chỉ qua được kỳ giông bão mà còn mạnh mẽ, can trường, sải cánh bay cao.
Trường đại học FPT đã lên ý tưởng về việc xây dựng mô hình trường thiếu sinh quân, nhận nuôi dạy 1.000 trẻ, dạy học, rèn luyện, giúp các em hòa đồng với bạn bè. Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam kêu gọi phát động “ATM yêu thương” bảo trợ mỗi em 1 triệu đồng/tháng cho đến khi đủ 18 tuổi. Những món quà, lời động viên hay chí ít là những rung cảm yêu thương tựa những con sóng vẫn âm thầm lan tỏa, vẫn đang được mọi người hiệp tâm gửi đến các em.
Sự đùm bọc, sẻ chia hiển hiện rất rõ ràng. Chia sẻ bó rau, con cá. Chia sẻ nỗi thắc thỏm, âu lo trong từng hơi thở của bạn bè, người thân. Chưa bao giờ ta tin đến thế sức nặng, sự quý giá của một “miếng” khi đói còn hơn nhiều lần so với một “gói” khi no. Và chỉ cần đủ tấm lòng, đủ thương yêu, mọi thứ dẫu khó khăn, khắc nghiệt đến nhường nào, ta đều sẽ vượt qua.
Tin vào những yêu thương, vào lòng trắc ẩn - những thứ thuộc về thiên tính đẹp đẽ của nhân sinh - sẽ khiến cho câu hát mồ côi dẫu có buồn, có xót nhưng sẽ không còn đau, không còn hoài nghi rằng giữa biển đời mồ côi chẳng còn cánh tay nào để với.
Cuộc đời quả thật kỳ diệu. Trong mịt mùng đêm tối vẫn chưa bao giờ vắng những tia sáng. Trong tận cùng tai ương, tình người chưa bao giờ mất đi. Thậm chí, đôi khi, như lúc này, chúng ta đang trải qua, đang chứng kiến ngay trên thành phố của mình rất nhiều ánh sáng, thứ ánh sáng mà trong những bình yên phẳng lặng ngày thường, ta cứ ngỡ xung quanh chỉ còn những mối quan tâm, những phù sinh tầm thường.
Hạt mầm của tình yêu thương, của lòng trắc ẩn có lẽ là thứ cốt tủy và vô cùng quý giá đã được gieo và gìn giữ nơi kín đáo thiêng liêng nhất của con người.
Những lúc thế này, con người vịn vào nó sinh tồn mà bước tiếp.
Theo phunuonline.com.vn