Chị Hạnh Dung thân mến,

Tôi mong chị cho tôi lời khuyên, mà cũng là để cho vợ tôi đọc được, để cô ấy có thể điều chỉnh hành vi của mình, đừng để tôi phải nghĩ tới câu: "Có vợ thì mất bạn".

Là vì hôm 30/4, chúng tôi - hội bạn thân từ thời cấp 2, 3 - có một cuộc họp mặt vui vẻ với nhau. Vợ tôi rất khó chịu với những cuộc vui của anh em bạn bè chúng tôi. Mỗi lần như vậy, cô ấy thường gây gổ với tôi, chiến tranh lạnh trong nhà có khi kéo dài cả tuần lễ.

Điều khó chịu nhất là cô ấy sẽ gọi điện cho tất cả bạn bè tôi, để nói với họ rằng chỉ vì chuyện nhậu nhẹt của chúng tôi mà hạnh phúc gia đình tôi lung lay. Rằng tôi thế này thế kia là vì bạn bè... Cô ấy yêu cầu bạn bè đừng gọi, đừng rủ rê tôi đi ăn nhậu nữa.

Mỗi lần tụ họp là bạn bè tôi lại mang vợ tôi ra trêu chọc, khiến tôi vô cùng xấu hổ. Điều đáng tiếc là ngoài việc đó ra, cô ấy là người vợ khá hoàn hảo về mọi mặt: chăm sóc gia đình chồng con, biết cách cư xử với cha mẹ, anh chị em chồng, làm ra tiền (thu nhập cô ấy cao hơn tôi, và ở công ty cô ấy đã có chức vụ trưởng phòng chứ không phải nhân viên quèn như tôi).

Hôm 30/4, sau cuộc nhậu với bạn bè, 11 giờ đêm tôi về, cô ấy đã khóa cửa không cho tôi vào nhà. Tôi phải ra khách sạn ở. Hôm sau bạn bè tôi đều biết chuyện, vì cô ấy nhắn với bạn bè tôi rằng gia đình tôi mất lễ vì họ...

Bực quá, tôi đi nhậu tiếp cùng bạn bè. Cô ấy liền nhắn: "Chọn bạn hay gia đình thì quyết định đi, rồi hãy về nói chuyện".

Cho đến hôm nay, tôi vẫn chưa về nhà và không muốn về nhà. Vợ tôi cũng gan lỳ, không gọi, không nhắn gì cho tôi. Thật tình, tôi không biết nên xử sự thế nào bây giờ. Về cũng dở mà không về cũng dở. Chọn bên nào với tôi cũng là chuyện không dễ dàng...

Xin chị Hạnh Dung tư vấn cho tôi.

Thành Trung

 

Anh Thành Trung thân mến,

Thật tiếc cho anh và gia đình vì đã không có được một ngày nghỉ lễ vui vẻ. Cũng chẳng biết trách ai. Anh muốn Hạnh Dung cho anh lời khuyên để vợ thay đổi, nhưng Hạnh Dung nghĩ trong việc này, cả anh và vợ đều phải thay đổi thì mới có được những ngày bình yên sau này.

Vấn đề quan trọng của anh và vợ chính là một cuộc bàn bạc để có được sự thông cảm, hiểu biết, thỏa hiệp với nhau, khi giữa hai người có những bất đồng về cách sống, sinh hoạt, các mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.

Không tự ái, không ép buộc, kiên nhẫn giải thích, chứng minh và hứa hẹn, để cả đôi bên đều cảm thấy mình được lắng nghe, được tôn trọng. Để làm điều đó, hai bên cần phải mềm dẻo, kiên nhẫn và thể hiện tình cảm với nhau một cách ngọt ngào, khéo léo.

Từ phía anh, hãy làm sao cho vợ hiểu rằng, với đàn ông, bạn bè rất quan trọng. Nhất là bạn bè từ thời thơ ấu, gắn bó với nhau lâu dài, có nhiều kỷ niệm và đã từng là chỗ dựa của nhau trong những lúc khó khăn, mệt mỏi mà không thể chia sẻ với gia đình.

Thay vì những cuộc nhậu, có thể kết nối vợ và bạn bè mình bằng những cuộc cà phê, uống trà nhẹ nhàng, theo đúng phong cách cô ấy thích. Thận trọng lựa chọn chủ đề của các buổi trò chuyện có cô ấy, sao cho cô ấy hiểu rằng đó không phải là những cuộc gặp vô bổ.

Anh cũng nên cho cô ấy hiểu rằng các anh cũng không phải gặp nhau vì rượu, vì tuổi mình, rượu cũng đã không còn tốt cho sức khỏe, cho sự an toàn của bản thân. Rằng mình và bạn bè có thể thay những cuộc nhậu bằng những hoạt động giải trí, thể thao có ích hơn. Hạnh Dung chắc rằng những điều này sẽ được vợ anh ủng hộ.

Còn trẻ mà đã có vị trí trong công ty và thông qua những cách chị cương quyết "trừng phạt" anh, Hạnh Dung nghĩ rằng chị là một cô gái hết sức nguyên tắc, bản lĩnh và vững vàng.

Còn anh, có lẽ là người cũng hay nể nang, sống tình cảm và có chút... ham vui. Khác nhau vậy, mới chính là những điểm cuốn hút và bổ sung cho nhau, chỉ cần hai bên có thể trò chuyện với nhau một cách cởi mở, và học được cách "đàm phán" để chung sống hòa bình.

Chuyện làm sao để về nhà bây giờ, rồi bắt đầu câu chuyện với nhau, cũng không có gì khó. Anh có thể đi đón con vào giờ vợ đón, rồi cùng về. Có thể tới đón vợ khi cô ấy tan làm. Hạnh Dung nghĩ là với tính cách của mình, cô ấy cũng khó mở lời gọi anh về, nhưng chắc mong anh về lắm rồi. Đàn ông mà, xuống nước một chút với vợ, cũng có gì là thiệt đâu anh.

Hãy về nhà trước đã, rồi sẽ phải bắt đầu những cuộc trò chuyện với nhau, giải quyết cho thật rốt ráo vấn đề. Và nếu giữa hai người đã có những thỏa thuận tốt, những nguyên tắc rõ ràng, thì anh hãy luôn cố gắng thực hiện những thỏa thuận đó một cách nghiêm túc.

Hạnh Dung hy vọng, nếu biết cách chia sẻ và khơi gợi sự cảm thông, hiểu biết với nhau, anh sẽ có được cả niềm vui bạn bè và không khí hòa thuận gia đình.

Theo phụ nữ TPHCM