|
|
Chúng tôi cãi vã nhau vì đủ mọi chuyện (ảnh minh họa) |
Nhớ lại 20 năm về trước, thuở đang tìm hiểu, tôi và chồng trong mắt nhau khác hẳn bây giờ. Lúc đó, anh ấy mới 24 tuổi, mái tóc chẻ ngôi giữa bồng bềnh lãng tử. Dáng anh cũng thanh thoát thư sinh, tính tình ga lăng, hài hước. Mỗi lần hẹn hò với tôi anh đều ăn mặc gọn gàng, quần tây áo sơ mi "cắm thùng" phẳng phiu, nước hoa thơm phức đầy nam tính. Thi thoảng anh có hút thuốc lá nhưng hễ thấy tôi là vội vàng dập bỏ làm tôi có cảm giác mình rất được tôn trọng.
Còn tôi khi ấy đang là sinh viên năm cuối, mảnh mai, yếu đuối. Mỗi lần gặp nhau anh đều khen giọng tôi rất hay (giọng Hà Nội), nói chuyện với tôi anh cảm thấy ấm áp vì tôi biết lắng nghe và chia sẻ. Không chỉ thế, tôi còn khéo tay, biết may vá và nấu ăn ngon khiến mẹ anh rất hài lòng.
Thế rồi chúng tôi cưới nhau, chỉ chưa đầy 2 tháng, tôi đã liên tục ngỡ ngàng. Anh vô cùng bừa bộn, không hề biết chăm sóc bản thân. Quần áo mặc xong anh lại nhét ngược trở lại vào tủ. Đó còn chưa kể ông xã tôi suốt ngày ăn nhậu, hễ có bạn bè nhắn tin thì dù khuya tới mấy anh cũng tham gia. Giờ đây ở nhà, anh thản nhiên hút thuốc lá ngay trước mặt tôi. Mỗi lần tôi khuyên can anh đều bỏ ngoài tai và tỏ ra khó chịu.
Khi chúng tôi có con cái, chồng tôi không khá lên mà ngày càng bê bối hơn. Anh mặc kệ tôi với tất cả việc nhà, thậm chí ăn cơm xong là bỏ đi, để mặc tôi thui thủi dọn dẹp. Tàn thuốc lá khắp nơi, thậm chí cái chén ăn cơm cũng có thể biến thành chiếc gạt tàn của anh. Sau chục năm hôn nhân, anh chẳng còn dáng vẻ thanh thoát như thuở ban đầu mà phát tướng, bụng phệ, hói tóc.
Tôi thì từ cô gái Hà thành thanh lịch, ấm áp ngày nào bỗng dưng trở thành... Bà La Sát. Tôi hay càm ràm tới mức hễ cất tiếng lên là con cái chui tọt vào phòng trốn, còn chồng thì thở dài thườn thượt. Thay vì khen giọng vợ chuẩn Hà Nội, bây giờ anh than thở: “Em nói nhiều quá, đau hết cả đầu”.
|
|
Mỗi lần tôi than hết tiền là chồng lại giận dỗi (ảnh minh họa) |
Không chỉ nói nhiều mà tôi còn hay kêu hết tiền. Tôi biết mỗi lần nhắc đến tiền chồng tôi sẽ mất vui. Thế nhưng tôi không than thở với anh thì biết chia sẻ trách nhiệm này với ai?
Không chỉ mình vợ chồng tôi như vậy sau khi kết hôn mà nhiều người bạn của tôi cũng rơi vào tình trạng tương tự. Thu Mai, người bạn thân của tôi cũng suốt ngày kể xấu chồng. Mai bảo hai vợ chồng bạn kết hôn 10 năm và đều "chán nhau tận cổ". Thậm chí nhiều lúc bức xúc quá, Mai dùng những từ không hay để gọi chồng.
Mai bảo rằng biết thế này cô ấy ở vậy cho xong, thân ai nấy lo, yêu đương tự do thoải mái, không cần trách nhiệm gì. Cưới nhau rồi mỗi tháng chồng Mai chỉ đưa về cho vợ 6 triệu đồng. Mới cưới cũng đưa 6 triệu, sinh hai đứa con ra vẫn chỉ đưa như thế nên Mai không thể trang trải nổi sinh hoạt gia đình.
Mỗi lần Mai kêu ca, chồng cô chỉ một điệp khúc: “Không đủ thì cắt giảm bớt chi tiêu đi”. Thế nhưng khi xưa, Mai mê như điếu đổ anh này bởi tính ga lăng, phóng khoáng. Đi chơi với nhau hoặc khi Mai rủ thêm bạn theo, anh đều bao tất.
Mai kể, vợ chồng cô bây giờ cố gắng hạn chế nói chuyện với nhau để tránh xung khắc, ức chế. “Khéo chẳng phải mỗi tớ ngán ngẩm mà lão chồng chắc cũng chán tớ lắm rồi. Cứ thấy tớ là lão thở dài”, Mai nói.
10 cặp vợ chồng thì tới 8 cặp vợ chồng ngán ngẩm nhau như gia đình tôi và Mai. 2 cặp còn lại lên mạng xã hội đăng ảnh tình tứ, nhưng cũng có khi chỉ là "sống ảo".
Cô hàng xóm nhà tôi ngày nào cũng đăng ảnh Facebook khoe tình cảm với chồng, thế nhưng mỗi lần vợ chồng cô cãi vã, chửi mắng nhau, cả phố đều nghe.
Tuy vậy, sau nhiều năm trải qua hôn nhân, đi qua các cung bậc cảm xúc, tôi hiểu ra rằng vợ chồng tranh cãi, mâu thuẫn là chuyện hết sức bình thường. Bản thân ta cũng thay đổi, thì cớ sao lại chê bai đối phương. Như tôi với Mai, kể xấu chồng với nhau thường xuyên là thế, nhưng khi hỏi có bỏ chồng không thì cả 2 lắc đầu nguầy nguậy.
Những lúc bình tâm suy nghĩ lại, tôi thấy mình may mắn vì còn có ai đó đồng hành để mình cãi vã tới cuối đời.
Theo phụ nữ TPHCM