Ngày xưa người phụ nữ thường được ví như một loài cây tầm gửi, khi lấy chồng trong hay đục hoàn toàn phụ thuộc vào người chồng, phu xướng phụ tùy. Ngày nay, vai trò của người phụ nữ trong gia đình đã có ít nhiều thay đổi. Nhiều gia đình nên nhà, nên cửa do bàn tay vun vén của người phụ nữ.
Khi vai trò chủ đạo về kinh tế của người chồng trong gia đình mờ nhạt, người chồng phải sống dựa vào người vợ, một lời biết ơn, trân trọng vợ luôn là chất xúc tác làm nên hạnh phúc gia đình, và ở người vợ đôi khi những lời nói biết ơn này đã làm cho họ nhẹ bớt cái gánh nặng trong cuộc hành trình khá dài.
Ông Khánh là thương binh, năm 40 tuổi đã ông về nghỉ hưu do mất sức là lúc bệnh tật dồn dập đến, hết bệnh này đến bệnh kia, từ bệnh đau dạ dày, rồi mổ, đến các vết thương cũ hành hạ… Từ đấy, mọi việc trong gia đình dồn hết lên vai bà Thanh. Bà mở quán bán hàng, nuôi hết lứa heo này đến lứa heo khác, phục vụ chồng, lo cho con cái… xoay như chong chóng.
Nói đến vợ, câu nói nào của ông Khánh cũng hàm chứa vẻ biết ơn: “Nếu không có bả làm sao tui sống được đến ngày nay. Riêng căn bệnh dạ dày phải theo chế độ ăn kiêng, tất cả mọi thứ phải xay nhuyễn, bả chăm sóc tui thiếu điều như chăm em bé, mà lại là một em bé khó tính nữa chớ! Không đêm nào bả ngủ trước 12 giờ và sáng dậy sau 4 giờ. Con cái ăn học nên người cũng một tay bả, tội nghiệp lắm!”.
Hai vợ chồng Hùng và Châu đều là công chức, thu nhập ổn định. Công bằng mà nói thu nhập của Châu trội hơn. Ngoài giờ làm việc Châu còn làm thêm đại lý bảo hiểm. Chắt chiu dành dụm, 14 năm chung sống họ xây được nhà, có ít tiền tích lũy. Thỉnh thoảng trong cuộc tiệc vui, Hùng vẫn nói về vợ: “Mình chỉ biết làm công, ăn lương, nếu không có vợ lo lắng gầy dựng làm sao nhà cửa đàng hoàng được”.
Thanh làm văn thư ở một cơ quan nhà nước, Dũng chồng Thanh là kỹ sư xây dựng. Thanh vốn ốm yếu, sinh con thứ 2 xong, cô xin nghỉ việc ở nhà chồng nuôi. Công việc làm ăn của Dũng khá phát đạt, thế nhưng mỗi khi nói đến sự thành công của mình, Dũng nói: ""Bả là hậu phương vững chắc phía sau, không có bả giữ tiền làm sao có được ngày hôm nay".
Một lời biết ơn nghe qua tưởng là đơn giản, thế nhưng, không phải người chồng nào cũng nói lên được lời khen tặng vợ một cách chân tình. Anh Tuấn và chị Hòa lấy nhau hơn 30 năm. Thời bao cấp, anh Tuấn làm ăn khá suôn sẻ, vợ chồng tậu được một ngôi nhà (tiền do anh kiếm là chính). Qua thời mở cửa, công ty giải thể, anh Tuấn không có việc làm, tự nhiên lại đam mê chơi ảnh nghệ thuật.
Từ ngày anh Tuấn thất nghiệp, mình chị Hòa gồng gánh gia đình. 10 năm chị không biết một cái áo mới, ấy vậy mà anh Tuấn sắm hết máy hình này đến máy hình khác, thứ nào cũng đắt tiền. Biết bao nhiêu sự hy sinh của chị Hòa nhưng anh Tuấn vẫn tỉnh bơ, anh không hiểu (hay cố tình không hiểu) cái quy luật miệng ăn núi lở. Anh luôn nói: “Nếu tôi không sắm được nhà giờ bả làm được gì”. Chị Hòa rất buồn vì điều này, anh Tuấn chỉ biết quá khứ, mà không hề nghĩ đến hiện tại cũng như tương lai.
Vợ chồng chị Thông sống với nhau được 12 năm, có 2 mặt con thì chia tay do nhiều mâu thuẫn. Hồi đó, chị Thông là lao động chính trong gia đình, chồng chị tính tình vô tâm, lại thêm sĩ diện, ít khi khen vợ, mà ngược lại lúc nào có cơ hội chê vợ là chê ngay, dù trước mặt rất nhiều người, đôi khi gây cho chị Thông cảnh dở cười, dở mếu.
Tuy nhiên, mỗi khi nói về những ngày đã qua, chị Thông luôn nói: “Mình chỉ cần có chỗ ghé vai một chút cho đỡ mỏi mà cũng không được. Chỉ cần ổng có thái độ trân trọng, biết ơn mình là đủ, những lời nói nặng nề chỉ làm cho cái gánh nặng thêm”.
|
Ảnh minh họa |
Có một sự thật, trong cuộc sống vợ chồng rất ít người này nói được ra câu cảm ơn người kia. Một câu nhẹ nhàng, dễ nói mà thành khó với người thương yêu. Thời công nghệ số, nhờ có các trang mạng xã hội các cặp vợ chồng trẻ có thể bày tỏ lòng biết ơn, sự cảm ơn bằng những câu có cánh, thế nhưng nhiều người trong cuộc lại bảo: “Dường như bấm điện thoại thành câu, nhắn tin, đăng Facebook, gửi qua email... dễ hơn nói ra miệng hay sao ấy!”.
Cuộc sống ngày càng vội vã, đôi khi người ta thường vì bận bịu mà bỏ qua một lời xin lỗi, một câu an ủi, một lời khen ngợi, một lời cảm ơn. Ngay cả con cái nói nói lời cảm ơn cha mẹ cũng thấy ngượng ngùng.
Hạnh phúc như những hòn than được ủ trong tro, những lời nói biết ơn chân thành luôn thổi hồng bếp lửa gia đình.
Nói lên lời biết ơn với người bạn đời, người thương yêu tuy dễ mà khó vô cùng, phải tập, ban đầu thấy... ngượng nhưng rồi sẽ quen.
Theo phụ nữ TPHCM