Mới sáng sớm vào cơ quan, còn chưa kịp ăn gói xôi, chồng tôi đã nhắn: “Em chuyển khoản cho ngân hàng nhé, hôm nay đến hạn”.
Tôi nhìn gói xôi trên bàn, miệng đắng ngắt. Cầm điện thoại, tôi báo cho chồng: “Anh tự xoay đi, thẻ em chỉ còn 2 triệu đồng”.
Sau đó, dù anh không nói gì nữa, tôi vẫn thấy dâng lên một nỗi buồn và áp lực kinh khủng. Đã mấy tháng nay, cả nhà tôi đều căng thẳng như thế. Tiền chợ, tiền học cho con, tiền ăn uống sinh hoạt, chúng tôi đều cắt giảm tới mức tối đa, vậy mà không thể bù vào khoản nợ nần mà anh vay để đầu tư đất vào cuối năm ngoái.
Thời điểm đó, đất đang sốt, anh có bạn ở dưới quê rủ hùn hạp mua chung. Chúng tôi lấy nhau 5 năm, cũng có một khoản tiết kiệm kha khá. Anh muốn đầu tư nhưng không muốn hùn hạp. Theo anh nói thì việc cùng bạn mua sau này sẽ dễ dính rắc rối pháp lý, có khi mất đất, mất luôn cả bạn. Rồi chẳng biết anh suy tính thế nào, đòi vay ngân hàng để mua riêng một miếng.
|
Chúng tôi không thể vui vẻ vì khoản nợ tháng nào cũng phải trả (Ảnh minh họa)
|
Tôi cản hết lời, bởi vay là đồng nghĩa với việc phải trả lãi hàng tháng. Anh không nghe, vẽ ra đủ viễn cảnh tươi đẹp, nói rằng anh mua chỉ là tạm thời, nếu cần thiết thì sau này bán đi, ăn lời một khoản nhỏ cũng được, coi như cho anh tập tành đầu tư.
Anh còn cho rằng việc trả ngân hàng cũng như tiết kiệm, có động lực để cày cuốc. Nếu sở hữu miếng đất ở quê, cộng thêm ngôi nhà đang có, chúng tôi sẽ ổn định hơn rất nhiều. Sau này đất có giá, miếng ấy bán đi hoặc giữ lại đều là tài sản cho con, chỉ cần bây giờ hai vợ chồng ráng lên một chút.
Cái “ráng lên” ấy là gần một tỷ đồng anh vay ngân hàng và một số người quen. Đất mua xong, vấp vướng về thủ tục giấy tờ nên chưa ra sổ, tiền thì đã vay. Chúng tôi cứ trả lãi đều đều mỗi tháng. Thời gian đầu thì còn ổn, vì hai vợ chồng lấy tiết kiệm ra chi, nhưng dần dần cạn sạch, tháng lương nào cũng phải nộp vào ngân hàng, chuyển vào tài khoản bạn bè anh.
Tôi kiệt sức và xuống tinh thần vô cùng khi mỗi tháng nhắc đến khoản tiền phải trả. Anh thì vẫn cố gắng gồng. Cho đến cuối năm nay, tôi chịu hết nổi, nói anh tranh thủ bán đất. Anh tự thấy lần này mình sai nên cũng kêu gọi môi giới, vậy mà chẳng mấy ai hỏi. Thậm chí anh còn nói giá thấp hơn giá anh từng mua mà họ vẫn không đi xem đất.
Sau đó, anh cũng chẳng thiết tha gì làm ăn, công việc trì trệ, hàng hóa trễ nải, bị sếp trách móc. Cứ đến ngày nộp tiền là anh nhắn cho tôi, trong khi anh biết thừa nhà chỉ còn vài triệu đồng.
|
Những lúc hỏi anh tính thế nào về khoản nợ, tôi chỉ thấy chồng cúi mặt im lặng (Ảnh minh họa)
|
Nợ nần cuối năm khiến chúng tôi áp lực khủng khiếp. Dù cố gắng cắt giảm nhiều khoản nhưng vẫn chẳng là gì so với số tiền lãi hàng tháng. Ở miếng đất mới, sổ sách giấy tờ đã ổn nhưng anh cũng khó lòng vay thêm, do bị siết chặt. Bí bách quá, anh đành vay nóng bạn bè theo kiểu sau nửa tháng, 20 ngày là trả.
Việc đó càng khiến chúng tôi áp lực thêm gấp bội, bởi chớp mắt là đến ngày trả nợ. Lúc nào hai vợ chồng cũng căng như dây đàn vì mệt mỏi với tiền bạc. Mỗi lần có điện thoại là cả hai nhìn nhau, sự lo âu hiện rõ mồn một.
Anh đi nhậu nhiều hơn, mặc kệ vợ con ở nhà buồn bã. Những lúc hỏi anh tính thế nào về khoản nợ, tôi chỉ thấy chồng cúi mặt im lặng. Tôi vừa thương mà cũng vừa giận. Đã mấy tháng nay vợ chồng căng thẳng, lục đục.
Nếu không đầu tư, giờ đây chúng tôi đang vui vẻ, thoải mái chờ đón một cái tết đơn giản, ấm cúng. Còn đằng này, vì muốn thử, muốn tập tành bài toán tài chính, cả hai vợ chồng đều héo như rau dưa phơi nắng. Chồng tôi cũng đã thật sự hối hận, nhưng muộn mất rồi.
Theo phụ nữ TPHCM