Cặp vợ chồng hàng xóm tranh cãi to tiếng. Nghe đâu do anh chồng đi nhậu hoài, lần nào cũng say quắc cần câu. Chị vợ nói mãi không chịu thay đổi, nên hôm nay "quyết chiến" cho ra ngô ra khoai.
Mới hôm qua, tôi và chồng cũng đôi co qua lại. Anh suýt đánh tôi vì những câu nói trong lúc nóng giận mang tính sát thương tuôn ra từ cái miệng từng được anh khen "có nụ cười tỏa nắng". Tôi hoàn toàn sốc trước hành động đó của anh, lặng lẳng bỏ vào phòng và khóc đến sưng húp cả mắt.
Chị Hương hàng xóm tâm sự, chồng chị ham vui, nhậu nhẹt, không dành thời gian bên gia đình, lúc nào cũng đi tới khuya mới về. Nhiều lần khuyên bảo anh không được, chị cau có và nổi nóng, lời qua tiếng lại. Gần 12 giờ mà chưa thấy anh về, gọi mấy cuộc điện thoại anh không nghe làm chị cuống cuồng lo lắng, suy diễn đủ tình huống hiểm nguy trong đầu: Rằng anh đi đâu, với ai, làm gì hay có tai nạn xe cộ gì không?... Ấy thế mà anh đâu chịu hiểu cho nỗi lòng của người ở nhà.
Còn chồng tôi, anh hứa đón con từ nhà nội về sớm khi tôi đi làm ca đêm, thế mà anh ham vui bên bạn bè nên trễ giờ đón con. Khi thấy anh trở về trong cơn say bí tỉ, tôi bực không chịu nổi. Vậy nên, vừa thấy anh xuất hiện, tôi đã tuôn một tràng, đương nhiên những lời lẽ không mấy hay ho gì.
Sau trận chiến đó, một sự tổn thương sâu sắc để lại trong lòng cả hai. Anh nói với tôi: “Công việc cần tạo mối quan hệ để có công trình, ký kết hợp đồng làm ăn, chứ anh đâu ham vui, nhậu nhẹt gì. Ngồi hoài mấy anh chưa nói xong câu chuyện nên anh về trễ”. Tôi không rõ anh nói thật bao nhiêu phần trăm, nhưng nhìn anh khi đó trong tôi dâng lên niềm thương cảm, vì rằng anh cũng vì công việc, kiếm tiền vì gia đình này.
Từ những khoảng lặng, tôi bắt đầu nhìn nhận lại. Tôi đọc và tìm hiểu nhiều hơn. Càng ngày tôi càng nhận ra cuộc sống vợ chồng tranh cãi anh sai tôi đúng để làm gì? Ai đúng ai sai, ai thắng ai thua sau những gây gổ, mâu thuẫn chỉ để lại những khoảng lặng tái tê và những tổn thương khó phai nhòa trong tâm trí.
|
Tôi dần nhận ra tranh cãi "anh sai, tôi đúng" chỉ để lại tổn thương cho hai người (Ảnh minh họa) |
Tôi bắt đầu học cách thay đổi, kiềm chế tính nóng nảy, đặt mình vào hoàn cảnh của anh trước khi phán xét, đay nghiến.
Tôi rút kinh nghiệm, trong xử lý mọi việc, phóng to hay thu nhỏ lại là do cách nhìn nhận. Khi đứng trước một sự việc mang tính nóng hổi, tôi thường nhắc mình cần phải bình tĩnh, hít thở sâu và kiềm chế cơn giận. Đợi ít phút (càng lâu càng tốt), trong thời gian ấy tôi có thể đi uống nước, bỏ ra chỗ khác hóng gió… Và cả hai chỉ bắt đầu cuộc nói chuyện khi tâm trạng đã ổn định trở lại.
Tôi dần nhận ra, cả hai chúng tôi trong suốt thời gian qua không phải là nói chuyện, trao đổi để tìm ra giải pháp đúng mà là tranh luận để tìm ra ai đúng ai sai. Và tôi cũng nhận ra, bất cứ chuyện gì cũng thế, cần giải quyết trên tinh thần trao đổi, lắng nghe để hiểu nhau hơn và đưa ra tiếng nói chung để cân bằng.
Sau nhiều lần như thế, tôi và chồng có cơ hội để nói với nhau về cảm xúc của của bản thân mình. Việc tranh cãi chuyển sang trò chuyện, đối thoại thay vì chỉ trích, cố tình hạ bệ nhau và phân định đúng sai. Với tôi bây giờ, vợ chồng là cùng nhìn về một hướng, là vì nhau, chung sức xây dựng tổ ấm mới là điều quan trọng nhất chứ không phải là cái tôi của mình.
Sau nhiều tổn thương tôi mới nhận ra điều quan trọng này và đó sẽ là "kim chỉ nam" để tôi bắt đầu hàn gắn lại những vết thương...
Theo phunuonline.com.vn