Hồi còn ở với ba má, những buổi sáng không phải đi làm, tôi lăn qua lại ngủ nướng, rồi nằm dài đọc sách, nghe nhạc, xem phim, mặc kệ tô mì bày sẵn trên bàn đã nguội ngắt. Thậm chí tôi còn cáu kỉnh vì cứ bị gõ cửa phòng kêu ra ăn món này món kia.
Từ khi về với chồng, tôi luôn dậy sớm, rón rén vì sợ làm anh giật mình. Chuẩn bị xong nồi nước dùng, tôi mới gọi anh dậy. Tôi canh chừng đúng lúc anh ngồi vào bàn thì tô mì cũng vừa nấu xong còn nóng hổi. Tôi rắc tiêu, vắt chanh, gắp miếng ớt… rồi dặn “anh trộn đều lên ăn mới ngon”.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Yêu anh, tôi chăm chỉ nấu ăn. Nhớ khi mình nổi cáu vì bị gọi ăn không đúng lúc, tôi cố canh chừng đúng lúc anh muốn ăn. Trong bếp nhà tôi đầy đủ các loại gia vị của ba miền để sẵn sàng đổi món khi anh bất ngờ lạt miệng.
Vài lần tới thăm vợ chồng tôi, lần nào cũng được ăn những món ngon khác nhau, trong đó có nhiều món khi ở với má tôi chưa hề nấu, má tôi yên tâm lắm. Đời người, có lần ba tôi lệch bước lạc đường rồi cũng vì nhớ cơm vợ nấu mà quay về. Má tôi thường nhắc nhở hũ mắm hũ muối trong căn bếp chính là vũ khí lợi hại của yêu thương, chớ coi thường.
Nói đâu xa, vừa mới đây thôi, cả nhà dự đám cưới đứa cháu, về nhà, anh Hai tôi hỏi: “Ba thấy tiệc cưới ngon không?”, ba tôi lắc đầu: “Không bằng cá bống má mày kho”. Sống với nhau tới tuổi về chiều, được nghe người đàn ông của đời mình nói câu này, má tôi mãn nguyện lắm.
***
Đến một ngày kia, thức dậy sớm một mình, tôi chợt thấy buồn. Nghe chồng khen “ngon quá”, tôi không còn hài lòng như trước. Chồng tôi hào hứng: “Chủ nhật này anh mời sếp tới nhà mình thưởng thức tài đầu bếp của em”, tôi chẳng còn thấy tự hào.
Mơ hồ, tôi tự hỏi có phải tôi không còn yêu anh nữa. Phải chăng tôi cả thèm chóng chán nên việc nấu ăn chẳng còn là niềm vui? Hay tôi đã chạm tới cái ngưỡng mà người ta nói là những nồng ấm đã dần nguội đi?…
Tôi liên tục tự hỏi mình và muốn có câu trả lời cho nỗi hoang mang mà không thể. Cảm giác kỳ cục như có thêm một tôi khác và tôi khác này đứng từ xa nhìn ngó tôi với nụ cười giễu cợt cho sự phí hoài. Chăm sóc chồng mình mà là phí hoài sao?
***
Rồi thì tôi cũng hiểu ra. Tôi thay đổi mà chồng tôi thì không.
Tôi đã trở thành người vợ đảm đang, người mẹ bận bịu. Tôi là người phụ nữ chăm chút thu vén bằng cách buổi tối nhận thêm việc về làm nhưng chồng tôi vẫn như những ngày son rỗi. Mặc kệ những đêm tôi mất ngủ vì con ốm đau, sáng ra chồng tôi vẫn hồ hởi đợi tôi dọn sẵn một tô bốc khói trên bàn, cứ như việc anh húp cạn tô đã là ban cho tôi niềm vui và cả sức khỏe.
Anh coi việc nhờ bà ngoại tới chăm con là đương nhiên và cứ vậy cà phê rôm rả chuyện thời sự với bạn bè hết nửa buổi sáng Chủ nhật hoặc nằm dài đọc sách và rủ tôi “có mấy cuốn anh mới đọc xong được lắm, em đọc đi”. Tôi đáp lời: “Từ sáng tới giờ em giặt giũ, phơi phóng còn bây giờ phải sơ chế cả đống thức ăn để bỏ vô tủ lạnh chuẩn bị cho cả tuần sau” thì anh kêu: “Em nghỉ tay thư giãn chút đi”. Tôi đợi anh nói tiếp “để đó chút nữa anh làm cho” nhưng chưa bao giờ được nghe.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Những khi cu Tý về nhà ngoại chơi vào dịp cuối tuần, tôi luôn dặn anh buổi tối đón cu Tý về nhanh để con học bài và đi ngủ sớm vì sáng mai còn đi học. Vậy nhưng, anh đến nhà ngoại đón con thì thường tiện thể chơi với ba tôi một vài ván cờ…
Vô tư là vậy nhưng khi đứa em của anh hỏi mượn tiền mua xe thì anh né tránh bằng cách đổ qua cho tôi: “Anh nộp hết lương cho chị, cần gì em cứ hỏi chị”. Nghe như là anh làm ra tiền nhiều lắm và tôi là một bà chị dâu ích kỷ không muốn giúp em chồng. Cứ vậy, tính sĩ diện hão của anh khiến tôi càng thêm mệt.
Chồng mình đọc sách xem phim, chơi cờ với ba mình và giao quyền chi tiêu cho vợ mà tôi không vui thì có phải tôi là loại đàn bà không biết điều?
***
“Dạo này em xuống quá đó” - anh nói vậy khi những bữa sáng chỉ còn là bánh mì kẹp chả hoặc trứng chiên, có khi là mì gói. Từ đó, anh hay lặp lại câu nói này, kiểu trách yêu nhắc nhở tôi lười biếng không chịu khó đọc sách, không cùng anh xem những bộ phim hay để tranh luận với anh như trước đây. Chỉ còn lại anh nói tôi nghe mà có khi lời lẽ trôi tuột qua tai cho tới khi anh kêu lên: “Em để hồn ở đâu vậy? Em thử lặp lại lời anh vừa nói xem nào”.
Tôi như đứa học trò bị thầy giáo bắt quả tang không chú tâm nghe giảng trong giờ học. Tâm trí tôi giờ đây hay nghĩ ngợi đâu đâu. Mà nghĩ gì tôi cũng không nhớ nổi. Nhiều khi tôi cố truy tìm xem nãy giờ bên cạnh chồng mà mình nghĩ gì nhưng đành chịu. Tôi chẳng nhớ gì ngoài những đoạn trống rỗng nối tiếp. Đôi khi tôi muốn hỏi ngược lại: “Sao anh không tự hỏi vì sao em không màng nghe anh nói nữa?” nhưng rồi tôi chọn im lặng. Biết nói gì đây với người quá vô tư?
Hôm nọ trời mưa to, tôi đi làm về rất muộn vì đường ngập nước khiến xe chết máy phải dắt bộ. Bước vô nhà, ướt lạnh và đói bụng, tôi thấy anh và cu Tý đang ngồi trước ti vi xem hoạt hình, trên bàn là một mớ vỏ bánh kẹo.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Anh nhìn tôi như thể chờ một câu khen ngợi vì anh kịp đón con về trước cơn mưa và còn biết cho con ăn tạm trong lúc chờ mẹ về. Tôi đi vô nhà, nhìn gian bếp nguội lạnh bỗng thấy nản vô cùng. Lẽ ra tôi phải vui khi ngoài kia gió mưa mà chồng con mình được ấm áp trong nhà nhưng sao tôi chỉ muốn òa khóc và hất tung mớ nồi niêu.
Thế nhưng, lúc này, nếu tôi òa khóc thì anh sẽ nhướng mắt và cười kiểu độ lượng không thèm chấp tính khí thất thường đàn bà, sẽ nựng nịu cu Tý mà nói: “Không sao đâu con, mẹ chỉ nhõng nhẽo thôi mà”.
***
Nỗi buồn không che giấu được đôi khi lọt vô mắt nhìn thấu suốt của má tôi. Thỉnh thoảng, má tôi thủ thỉ nửa đùa nửa thật: “Vợ chồng là tài sản của nhau, con à! Theo thời gian, có khi tài sản giảm xuống, có khi tài sản tăng lên. Tài sản của con hiện nay coi như không lỗ không lời. Cũng không đến nỗi”.
Tôi phì cười trước sự so sánh của má rồi làm một phép tính cộng trừ. Ừ, không lời không lỗ tức chồng tôi dẫu không là người đàn ông trưởng thành sâu sắc thông hiểu để cho tôi có được cảm giác bình yên nhưng cũng may mắn khi anh ấy không sa vào rượu chè, nhân tình, nhân ngãi.
Ồ, phép tính đơn giản làm sao! Để xoa dịu nỗi buồn, để cảm thấy mình may mắn, tôi sẽ tập cách nhìn qua hàng xóm bên phải có ông chồng hay say rượu lè nhè và hàng xóm bên trái hay vang tiếng cánh cửa đập mạnh vô tường báo hiệu cuộc cãi nhau đến hồi không muốn nhìn mặt nhau nữa.
Tuy nhiên, “liệu pháp” đó chỉ có thể xoa dịu chứ không biến mất nên nỗi buồn lại trồi lên mỗi khi ý nghĩ lẩn quẩn trong đầu tôi nảy thành câu hỏi rằng nếu vợ chồng đúng là tài sản của nhau, có khi nào tôi thất bại là vì tôi không biết cách đầu tư. Có khi là lỗi tại tôi cứ dốc hết sức mình, bất kể vui buồn trong lòng thì tôi vẫn luôn cố chu toàn mọi sự nên chồng tôi thấy ổn và chẳng cần phải thay đổi?
Tôi trong mắt chồng tôi thì sao? “Dạo này em xuống quá đó” - anh hay nói vậy. Nghĩa là tài sản của chồng tôi bị lỗ? Ôi trời ơi…
Theo phunuonline.com.vn