Cách đây 3 năm, anh chồng tôi kinh doanh bị vỡ nợ. Anh chị quyết định đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền, giải quyết nợ nần. Lúc đó, chúng tôi mới cưới gần một năm và chuẩn bị đón con đầu lòng. Trước khi đi, anh chị ngỏ ý nhờ vợ chồng tôi chăm sóc con trai 9 tuổi trong 3 năm.

Lý do vợ chồng anh không gửi con về quê nhờ ông bà nội nuôi vì muốn cháu ở thành phố để có điều kiện học hành. Chồng thuyết phục tôi đồng ý, vì thương hoàn cảnh của anh chị nên tôi cũng thuận theo. Khi ấy, tôi chưa sinh con nên không thể hình dung hết những khó khăn khi nuôi dạy một đứa trẻ.

Cháu trai của chồng là một đứa trẻ ương bướng, khó bảo. (hình minh họa)
Cháu trai của chồng là một đứa trẻ ương bướng, khó bảo (Ảnh minh họa)

Năm đầu tiên, anh chị không gửi tiền về nên chi phí nuôi cháu đều do vợ chồng tôi chi trả. Cuộc sống của chúng tôi khá vất vả vì đang mua nhà trả góp, thu nhập chỉ đủ sống. Sau khi sinh con, tiền bạc ngày càng eo hẹp nhưng vợ chồng vẫn cố gắng lo đầy đủ cho cháu. Chồng tôi động viên: “Hết năm nay, anh chị trả hết nợ, sẽ gửi tiền về nuôi cu Bảo”.

Tuy nhiên việc nuôi dạy một đứa trẻ ương bướng, vốn quen sống sung sướng như Bảo không hề dễ dàng. Mỗi bữa cơm, Bảo luôn phàn nàn: “Nhà chú thím ăn thế này làm sao cháu ăn được” trong khi tôi đã mua cá, thịt riêng để nấu cho cháu và con, còn vợ chồng tôi chỉ ăn rau dưa qua bữa.

Con tôi còn nhỏ nên uống sữa bột, Bảo cũng đòi uống giống em, chứ không chịu uống sữa tươi. Vậy là tôi chiều ý cháu. Chưa kể, chuyện học hành trên lớp rất tệ, lúc nào nhắc nhở, cháu cũng nói: “Do nhớ cha mẹ không thể học được” làm chồng tôi không nỡ đánh mắng.

Nhưng khi cha mẹ Bảo biết kết quả học tập của con kém lại trách vợ chồng tôi không quan tâm, dạy dỗ cháu.

Anh chị không gửi tiền ăn uống hàng tháng nhưng lại sắm điện thoại xịn cho Bảo để tiện liên lạc. Từ ngày có điện thoại, Bảo càng bỏ bê học hành vì suốt ngày lướt mạng, chơi game. Chồng tôi cả ngày đi làm về mệt, buổi tối phải đưa đón cháu đi học thêm vì sợ cháu trốn học.

Đến năm thứ hai, chúng tôi quá khó khăn vì công ty chồng cắt giảm nhân sự nên có đề cập thẳng thắn với anh chị về tiền ăn học của Bảo. Từ đó, mỗi tháng anh chị chồng chuyển về 5 triệu đồng.

Khi biết cha mẹ có gửi tiền về, Bảo càng vòi vĩnh quá đáng. Cháu đòi phải cho tiền tiêu vặt hàng ngày rồi muốn mua thứ này sắm thứ kia. Có một lần cháu bị cảm nhẹ, buổi sáng tôi mua bánh mì cho cả nhà ăn sáng, cháu không ăn. Bảo nhắn tin mách với mẹ: “Con đau họng mà thím không biết đường mua gì dễ nuốt cho con ăn, mua bánh mì về con không nuốt được”.

Mẹ cháu liền gọi điện nhắc tôi: “Anh chị gửi tiền về, chú thím cố gắng lo ăn uống cho cháu đầy đủ chứ sao để cháu nhịn đói đi học thế”. Thật sự tôi thấy buồn lòng bởi cháu cứ làm quá lên. Số tiền anh chị gửi về cũng đủ chi tiêu tiền học và ăn cho Bảo, thâm chí có tháng tôi phải bù thêm, nhưng dường như anh chị không quan tâm.

Vợ chồng cãi nhau vì tôi không đồng ý nuôi
Vợ chồng cãi nhau vì tôi không muốn tiếp tục nuôi con cho anh chồng sau khi hết thời gian 3 năm (Ảnh minh họa)

Sắp tới là hết hạn 3 năm làm việc nhưng vợ chồng anh dự định sẽ ở lại thêm. Điều đó có nghĩa chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục nuôi con giúp anh chị.

Tôi đề xuất, nếu anh chị tiếp tục ở lại thì đưa Bảo về quê ở với ông bà nội nhưng chồng tôi không đồng ý. Anh nói làm thế thì không biết nói sao với vợ chồng anh trai.

Vì chuyện này mà vợ chồng tôi cãi nhau liên tục, tôi nghĩ mình không sai bởi chỉ nhận giúp anh chị nuôi cháu 3 năm thôi. Hơn nữa, Bảo đang bước vào tuổi dậy thì nên ngày càng bướng bỉnh và nổi loạn, tôi sợ mình không còn kham nổi việc nuôi cháu khi đứa con thứ hai sắp chào đời, nhưng chồng không hiểu điều đó.

Theo phụ nữ TPHCM