Hoá ra ảnh chỉ vờ vĩnh lúc cưa cẩm tôi. Ảnh minh họa

Tôi lớn lên ở miền Tây. Xứ ấy nhiều dừa, nên hay bỏ nước dừa tươi hoặc cốt dừa, thậm chí cả hai vào chung một món. Đối với tôi, như vậy mới đúng điệu, mới ngon thần sầu.

Hồi quen chồng tôi bây giờ, anh rất dễ tính, chiều bồ. Hỏi anh thích ăn thịt kho hột vịt không, món ruột của em đó, anh gật đầu cái rụp. Vô quán là gọi ngay dĩa thịt kho rệu thơm nức mùi nước dừa, ăn rất nhiệt tình. Những thứ khác liên quan tới ẩm thực mà tôi ưa thích, anh đều tỏ ra hào hứng, khen ngợi. Tôi yên tâm ôm đồ theo người về dinh. 

Cưới xong rồi, chồng tôi mới… lật mặt. Anh bảo, đồ ăn gì mà ngọt lừ, lại còn nêm nước dừa với đường quá trớn, thật là khó nuốt. Tôi chưng hửng hỏi lại, chớ sao hồi đó anh không ý kiến?

Thời gian đầu chung sống, mỗi bữa cơm của đôi vợ chồng son giống một chiến trường ngấm ngầm. Tôi ôm nỗi hậm hực là bị “vô thế”, người ta chẳng thật tình mà xài chiêu để “dụ” mình, nên không phục.

Cảm giác mới hôm qua đây thôi, họ còn xì xụp bưng tô bánh tằm bì cùng chan chan húp húp, giờ quay sang chê bai: “Trên đời sao có món kinh dị thế? Vừa nước mắm chua ngọt lại còn thêm cốt dừa”.

Nỗi ấm ức ấy, không hề nhỏ. Nó khiến tôi hoài nghi tình cảm của chồng có phải là thật, hay cũng giống như những lần chịu khó “ăn uống giống nhau” giả tạo, lấy lòng, chỉ đợi lúc thuận tiện là thay đổi?

Chưa kể, gu ăn uống của chồng tôi lại khá nghèo nàn, kham khổ. Anh chỉ thích cá nhỏ kho keo, canh chua lá giang, lá me với cá biển. Anh không kén ăn, chẳng cầu kỳ đòi hỏi, nhưng mỗi khi ngồi vào bàn, thấy cánh gà chiên nước mắm, mực xào chua ngọt, chả giò giòn rụm… là nét mặt như bị tra tấn, quấy quá vài miếng rồi thở dài đứng dậy. Tôi ngồi lại, vừa tức vừa giận, vừa buồn vừa uất, chẳng biết phải sống sao cho anh vừa lòng…

Đó là khi tôi còn cố gắng “cải tạo” chồng theo ý mình. Lẽ nào chịu thua, không thể sửa đổi lại khẩu vị của người đàn ông mình sẽ chung sống cả đời chứ! Chưa kể, với những thứ đã thấm vào trong ký ức, trong những niềm nhớ thương, thì tâm tưởng mình luôn coi là ngon nhất, là bổ béo tốt lành. Sao có thể để cho “kẻ địch” bỉ bai không thèm thưởng thức cơ chứ! Với tâm lý đó, tôi cố dỗ dành ép uổng, gắp vào chén cơm của chồng, hứa hẹn “thưởng này thưởng nọ” để chồng chịu khó nuốt. Nhưng mấy giải pháp đó mau chóng thất bại.

Đỉnh điểm, là lúc chồng tôi buông câu than: “Sao đám giỗ mà chẳng có gì ăn được vậy?”. Tôi đã xin nghỉ phép, thức dậy từ sáng sớm, vất vả nấu mâm cơm cúng. Nhưng trong suy nghĩ của một người đàn ông vốn khác biệt văn hóa vùng miền, thì những nỗ lực của tôi đều không được ghi nhận. Hôm ấy, chúng tôi đã cãi nhau một trận to. Rằng, có phải ta sai lầm khi lấy nhau không nhỉ?

Cũng may, sau sự kiện đáng buồn cười ấy, tôi đã nhìn nhận và hiểu ra, thay đổi tập tính ăn uống rất khó. Nhất là với chồng tôi, một người vốn đơn giản, ít chấp nhận cái mới, không có nhu cầu thử món lạ. Âu đó cũng là ưu điểm. Sao tôi phải cố gắng, rồi nặng nề thất vọng kia chứ?

Nghĩ được như thế, tôi bắt đầu chọn giải pháp dung hòa. Mâm cơm nhiều thứ hơn chút, không sao cả. Đi chợ, tôi chú ý mua ít ba chỉ, cá bống cá kèo, cải chua tóp mỡ để nấu cho anh một tộ thơm nức. Thêm thắt vài ba quả cà rau sống, thế là tròn đầy.

Chồng tôi ngon miệng, lên cân, vui vẻ. Anh cũng không còn ác cảm với mấy đặc sản Nam Bộ như trước nữa. Tôi cũng đỡ áp lực khi thoát được cảnh “tự làm khó mình”. Từ đó, tôi thấy mình trưởng thành, đằm thắm và hạnh phúc hơn. 

Theo phunuonline