Nghèo nhưng hạnh phúc

Chị Thanh, anh Tuấn kết hôn vào thời điểm cả 2 tay trắng. Họ thuê căn nhà trọ nhỏ, chia nhau từng đồng lẻ cho xăng xe, ăn uống hàng ngày.

Khi ấy, chị Thanh chỉ là một nhân viên hợp đồng với mức lương ít ỏi, còn anh Tuấn làm thợ kỹ thuật đơn giản. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng anh chị có cuộc hôn nhân hạnh phúc, tình cảm vợ chồng ấm áp, đồng cam cộng khổ với nhau.

Anh Tuấn chẳng nề hà ngồi cặm cụi sửa khóa áo cho vợ, tháng lương nào anh cũng chỉ giữ lại vài trăm ngàn đổ xăng. Chị Thanh thì tằn tiện, thu vén từng đồng cho tổ ấm. Dù khó khăn, anh chị luôn trân trọng những gì mình có và cố gắng hỗ trợ, động viên nhau. Anh chị tin rằng bằng sự chăm chỉ và nỗ lực, ngày mai sẽ tốt đẹp hơn.

Hình ảnh mang tính minh họa
Hình ảnh mang tính minh họa

 

Thời gian trôi, chị Thanh may mắn được vào biên chế nhà nước, thu nhập dần ổn định và cao hơn. Trong khi đó, anh Tuấn vẫn là thợ làm thuê. Chênh lệch về học vấn chưa bao giờ là mối bận tâm trong cuộc hôn nhân của anh chị, nhưng sự chênh lệch về thu nhập lại dần tạo khoảng cách.

Khi cha mẹ chị Thanh bán một mảnh đất ở quê và chia cho các con, chị đã dùng phần tiền đó để đặt cọc mua một căn nhà ở xã hội. Đây là một bước ngoặt lớn trong cuộc sống của gia đình chị. Thế nhưng, tự hào và vui mừng thì chị nhận hết về mình; còn với chồng, chị khinh thường ra mặt. Chị nói với bạn bè rằng: “Cái nhà này, ông ấy có góp được đồng nào đâu”.

Có tiền lại khinh nhau

Mấy năm sau khi về nhà mới, chị Thanh khuyên chồng thử làm ăn riêng. Thế nhưng công việc kinh doanh của anh Tuấn không suôn sẻ như mong đợi. Thu nhập của anh tuy cao hơn trước nhưng vẫn thấp hơn so với chị Thanh, khiến chị càng coi thường chồng.

Một ngày nọ, chị có ý định chuyển công tác theo lời chồng - chuyển đến nơi anh đang làm việc. Điều này khiến nhiều người ngạc nhiên, không hiểu sao một người vốn xem thường chồng như chị lại quay ra nghe lời răm rắp như vậy.

Hóa ra, anh Tuấn đi là ăn xa, khấm khá hơn nhờ nghề… “hỗ trợ tài chính”. Tiền anh kiếm được nhiều hơn chị. Chị trở lại coi trọng chồng, nhất nhất theo ý chồng bao nhiêu thì cũng đã muộn - anh quay lại coi thường vợ bấy nhiêu. Anh Tuấn còn nói: “Anh tưởng nghề của em kiếm được nhiều tiền lắm...”.

Không chịu thua kém, chị Thanh bắt đầu tham gia hoạt động đa cấp, chân trong chân ngoài với hy vọng nhanh chóng kiếm được nhiều tiền hơn. Mỗi hợp đồng chị ký với người thân, bạn bè đều mang lại khoản tiền nhiều hơn cả tháng lương của chị.

Lao vào kiếm tiền, chị sao nhãng chăm sóc gia đình, bảo ban con cái. Việc đứa con nhỏ học hết lớp Một mà vẫn chưa đọc thông viết thạo cũng không khiến chị bận tâm bằng việc cố sức kéo về những hợp đồng.

Khi thu nhập tăng lên nhanh chóng, chị Thanh lại quay ra… coi thường chồng và tự hào về khả năng kiếm tiền của mình. Trước mặt bạn bè, sự ngạo mạn và khinh miệt của chị đối với chồng càng thêm rõ: “Đấy, đàn ông là phải thế, chứ ông chồng em..."

Yêu thương, hỗ trợ nhau mới là nền tảng

Nhưng rồi mọi thứ nhanh chóng vỡ tan khi hoạt động đa cấp của chị Thanh đổ bể. Chỉ trong vài tháng, từ thái độ ngạo mạn, chị quay lại răm rắp nghe lời chồng, không còn tranh cãi hay khinh thường anh nữa. Thấy vợ quay về với “cái máng lợn cũ”, chồng chị lại cười khẩy...

Câu chuyện "lật mặt" của vợ chồng chị Thanh, anh Tuấn cho thấy, khi tình cảm vợ chồng bị ảnh hưởng bởi tiền bạc, hạnh phúc gia đình chỉ còn là lớp vỏ dễ vỡ, mỏng manh. Sự tôn trọng trong hôn nhân không nên bị quyết định bởi thu nhập của mỗi người. Dù chồng hay vợ kiếm được nhiều tiền hơn, đôi bên vẫn cần nhìn nhận nhau với sự tôn trọng, yêu thương. Hôn nhân là sự chia sẻ, đồng lòng vượt qua khó khăn, chứ không phải là sân khấu để thể hiện quyền lực hay địa vị tài chính.

Trong cuộc sống nói chung và hôn nhân nói riêng, tiền bạc chỉ là công cụ, không phải là mục tiêu. Vợ chồng cần trân trọng những giá trị mà mỗi người mang lại cho gia đình. Sự tôn trọng, yêu thương và hỗ trợ lẫn nhau mới là nền tảng để xây dựng gia đình vững bền và hạnh phúc.

Theo phụ nữ TPHCM