Chị Hạnh Dung thân mến,
Tôi 47 tuổi, vợ 45 tuổi. Chúng tôi lấy nhau được 18 năm, có con trai và con gái, đang học cấp 3.
Gần đây vợ tôi muốn ly hôn, với lý do là không còn yêu tôi và vì tôi không qua lại với gia đình vợ. Vợ tôi muốn bán nhà để lấy tiền cho con đi du học. Tôi đồng ý việc bán nhà, nhưng không muốn ly hôn. Nghĩ đến cảnh con đi học xa mà vợ chồng không ở bên nhau, tôi không chịu được. Nhưng vợ tôi yêu cầu tôi làm đơn gửi tòa và bán nhà ra đi.
Thật lòng tôi rất thương con, nhưng thực sự tôi không thích gia đình vợ và cũng không muốn đến đó. Ngược lại, vợ tôi cũng không bao giờ qua lại với gia đình tôi.
Tôi có nên im lặng để níu kéo một gia đình nhỏ, hay đồng ý viết đơn để giải thoát cuộc hôn nhân này (giai đoạn này vợ không ăn chung và cũng không gần gũi chuyện vợ chồng).
Mong chị cho lời khuyên. Tôi cảm ơn.
Bùi Dương Quan
Anh Bùi Dương Quan thân mến,
Trong những lý do anh không muốn ly hôn, Hạnh Dung không hề thấy anh có dòng nào về tình cảm với vợ. Lý do duy nhất anh đưa ra chỉ vì không muốn ở một mình khi con đi du học mà thôi.
Trong khi đó, nguyên nhân để vợ anh muốn ly hôn, và theo cách anh viết, Hạnh Dung thấy anh cũng thừa nhận điều đó, thì tình cảm hai vợ chồng đã hết, cộng với cả hai bên đều không thích gia đình của nhau đến mức không còn muốn nhìn mặt nhau.
Có lẽ chính vì điều đó mà dù anh không muốn, thì vợ anh cũng cương quyết ly hôn. Cô ấy thật sự muốn giải thoát mình khỏi cuộc hôn nhân với anh. Chính việc không còn các con sống bên cạnh nữa là điều thúc đẩy quyết tâm của cô ấy, như rất nhiều người thường tự thầm hứa với mình: khi con trưởng thành, có thể sống độc lập được, thì mình sẽ ly hôn!
Giờ đây, anh hỏi Hạnh Dung 2 câu, nghe thì có vẻ là 2 chọn lựa khác nhau: nên im lặng để níu kéo một gia đình nhỏ hay đồng ý viết đơn để giải thoát cuộc hôn nhân? Nhưng nghĩ cho kỹ, thì 2 chọn lựa này cũng chỉ là 1 mà thôi.
Anh nghĩ rằng mình im lặng thì có thể níu kéo cuộc hôn nhân này? Nhưng hình như Hạnh Dung thấy vợ chồng anh đã "im lặng" với nhau từ rất lâu rồi thì phải? Im lặng để cho tình cảm nhạt đi đến mức chẳng còn gì để nuối tiếc. Im lặng và không muốn qua lại, không muốn nhìn mặt gia đình hai bên, điều này có lẽ xảy ra đã rất nhiều năm.
Vậy thì, sự "im lặng" này liệu có níu kéo được gia đình của anh không? Hay chỉ làm cho sự chán ghét nhau thêm trầm trọng, khi không còn các con làm lý do để chịu đựng nhau mỗi ngày nữa?
Nếu trong lòng anh vẫn còn muốn níu giữ gia đình, không muốn phải sống cô đơn khi các con đã đi học xa, anh đừng im lặng nữa mà hãy nói và hành động gì đó, để lý do cho việc ở lại bên nhau nặng hơn, thắng được lý do chia tay, anh ạ.
Thay vì "im lặng", anh hãy cố gắng trò chuyện, thể hiện tình cảm của mình với cô ấy, hãy quan tâm đến cảm xúc của cô ấy, và hãy thử cải thiện mối quan hệ với gia đình bên vợ.
Nhiều khi người ta nghĩ rằng quan trọng nhất là chuyện giữa hai vợ chồng, chứ gia đình hai bên thì cũng chỉ là người ngoài, nhưng có rất nhiều người khẳng định rằng, một người vợ không bao giờ hết tình hay đối xử tệ với người chồng quan tâm và được gia đình bên mình yêu mến.
Hãy vì gia đình nhỏ của mình mà cố gắng dung hòa mối quan hệ với gia đình lớn của cả hai bên. Đừng so đo với cô ấy, rằng cô ấy cũng đối xử như thế với gia đình mình, mà hãy "làm gương" cho cô ấy thấy anh có thay đổi. Cứ nghĩ như thế, anh sẽ thấy mọi việc dễ dàng hơn.
Hãy làm tất cả để không chỉ là vợ chồng được ở bên nhau, vui vẻ trong lúc tuổi tác đang về chiều, mà còn giúp con cái đi xa được an lòng và tập trung vào việc học hành, phát triển sự nghiệp. Chỉ buông tay khi mình không có thể cố gắng được hơn nữa, anh nhé.
Theo phụ nữ TPHCM