Ngày mới quen nhau, tôi đã rất ngưỡng mộ khả năng kiếm tiền của vợ. Cô ấy sinh ra trong một gia đình có điều kiện, được cha mẹ dạy về đầu tư, làm giàu từ nhỏ. Khi còn đang là sinh viên, cô ấy đã được gia đình cho một khoản vốn để làm ăn. Dùng số tiền này, cô ấy mua 1 mảnh đất, thay vì mua nhà chung cư để ở. Sau 2 năm, miếng đất cô ấy mua đã tăng giá gấp 3 lần, có giá là 3 tỉ đồng.
Công việc của vợ tôi cũng rất “sang chảnh”. Năm 2019, cô ấy đã làm cho một tập đoàn nước ngoài với mức lương khởi điểm 1.200 USD. Sau 5 năm, mức lương của cô ấy tăng dần lên, nay là 1.600 USD. Không những thế, ngoài việc chính, cô ấy còn có những mối quan hệ kết nối dự án về các bên doanh nghiệp, hưởng thêm hoa hồng từ các dự án, thường là trăm triệu trở lên.
Trái ngược với cô ấy, tôi sinh ra trong 1 gia đình làm nông, cha mẹ cố gắng lắm mới nuôi tôi tốt nghiệp đại học. Tôi làm cho một công ty xây dựng, công việc đều đặn nhưng mức lương mỗi tháng chỉ được 15 triệu. Mỗi năm chỉ nhích lên được một chút ít. Ưu điểm của tôi có lẽ chỉ là… đẹp trai - theo như cô ấy nói.
Chênh lệch rất lớn nhưng chúng tôi yêu nhau rất đơn giản. Tôi hiếm khi đề cập quá nhiều đến chuyện tiền bạc mà cô ấy kể gì thì nghe nấy thôi. Mỗi lần đi ăn, đi chơi, tôi vẫn đều chủ động trả tiền. Sau này, cô ấy thương tôi nên muốn chia đôi, tôi cũng thoải mái.
|
Ảnh minh họa (Internet) |
Nhưng sau khi tôi cầu hôn và cô ấy đồng ý, tôi đã choáng váng khi bị… đề nghị làm hợp đồng tiền hôn nhân. Cô ấy nói không muốn tôi liên quan đến tài sản trước khi cưới là miếng đất 3 tỉ, sổ tiết kiệm 1 tỉ đồng của cô ấy. Ngoài ra, cô ấy còn muốn chúng tôi ký thêm một hợp đồng tài sản hôn nhân rõ ràng. Theo đó, nếu cô ấy bỏ tiền ra mua thêm tài sản nào đều là tài sản riêng của cô ấy, tôi không được phép đứng tên chung.
Vì sự tự ái cá nhân, tôi đã im lặng suốt 5 ngày sau đó. Nhưng rồi khi bình tĩnh lại, tôi thấy cô ấy cũng có lý. Vì thực ra tôi không có ý mơ tưởng đến tài sản của vợ. Ở bên cô ấy, tôi luôn bị thu hút bởi nguồn năng lượng mạnh mẽ, vui tươi, muốn được sống và tận hưởng nhiều hơn. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi đã đồng ý ký tên vào các hợp đồng mà cô ấy muốn.
Nhưng rồi, mọi chuyện dần trở nên rất tệ. Vấn đề tiền bạc dường như chi phối toàn bộ mối quan hệ của chúng tôi. Tiền cô ấy làm ra, cô ấy sẽ chia 2 phần, một phần là tiền sinh hoạt chung của gia đình và một phần là tiền riêng của cô ấy. Tôi cũng phải bỏ tiền vào bằng đúng số tiền sinh hoạt chung.
Chúng tôi không mua nhà chung cư nên phát sinh khoản tiền thuê nhà. Mỗi tháng, chi phí gia đình lên tới gần 30 triệu, nên tiền lương của tôi gần như tháng nào cũng hết sạch.
Tôi không có tiền cho những lúc muốn gửi về thêm cho cha mẹ, đi nhậu cùng bạn bè, đi cà phê, mua những món đồ mình thích… Nhiều người trêu tôi lấy vợ giàu mà sao lại tiết kiệm thế, sống kiểu “đại gia ngầm”, tôi chỉ dám cười cho qua. Mỗi lần sang nhà vợ, mọi người đều bóng gió rằng tôi sướng vì lấy được vợ chu toàn, có kỹ năng tài chính, nên đối đãi vợ cho tốt.
Tôi biết, nguyên nhân mình kẹt tài chính là ở tôi, vì là đàn ông nhưng không kiếm được nhiều tiền. Tôi từng nghĩ những cách để kiếm tiền nhưng không có vốn để đầu tư, mở miệng ra vay vợ cũng ngại.
Không ít lần tôi nói chuyện với vợ. Tôi muốn có phương án để giải quyết. Ví dụ vợ dùng tiền mua 1 căn chung cư để ở, tôi không liên quan đến tài sản này nhưng sẽ giảm chi phí hàng tháng. Hoặc vợ có thể cho tôi giữ lại ít nhất là 5 triệu đồng tiền lương để tích lũy, tiết kiệm dần. Hoặc vợ cũng nên tính toán lại để tiết kiệm hơn các khoản chi tiêu trong gia đình…
Nhưng vợ tôi không đồng ý đề xuất nào. Cô ấy nói tiền của cô ấy còn dành để đầu tư và tính về hiệu quả thì thuê nhà vẫn hơn là mua nhà. Ở với cô ấy, tôi nên ứng xử tốt vì cô ấy lo hết mọi thứ trong nhà rồi, tôi chỉ việc nộp lương là ăn ngon mặc đẹp.
Cô ấy cũng không muốn giảm phí sinh hoạt xuống vì cô xứng đáng với tiêu chuẩn đó, thậm chí là cần cao hơn nữa. Cô ấy còn hỏi ngược lại: “Anh tiết kiệm riêng làm gì? Sau này em sẽ lo cho con! Còn tiền về cho cha mẹ anh, em đều luôn trích ra một khoản rồi, anh còn muốn gì nữa?”.
Những mâu thuẫn quanh đi quẩn lại như vậy. Tôi dần thấy mình cạn kiệt tình cảm, năng lượng khi đã “chui vào rọ”. Không phải chỉ bởi 2 cái hợp đồng hôn nhân mà còn là sự sòng phẳng đến mức lạnh lùng giữa vợ chồng.
Tôi bây giờ mới nhận ra, tôi muốn có một cuộc hôn nhân bình yên, nơi vợ chồng có thể đối thoại, cùng phấn đấu, cùng chung những niềm hạnh phúc về thành quả làm ra. 34 tuổi, tôi sẵn sàng ly hôn tay trắng, để được làm lại từ đầu.
Theo phụ nữ TPHCM