Chị Hạnh Dung thân mến,
Tôi và vợ kết hôn từ năm 2018, sau khi tôi ly hôn vợ cũ được 4 năm. Vợ hiện tại kém tôi 15 tuổi, cuộc sống hôn nhân tương đối ổn. Tôi có với vợ trước 2 cậu con trai đã lớn, đã có gia đình và công ăn việc làm ổn định. Các con thường gửi cháu nội cho vợ cũ của tôi trông nom, đưa đón học hành.
Mặc dù vậy, thỉnh thoảng vợ cũ tôi vẫn đưa các cháu về tận cửa nhà để cháu vào thăm ông nội, tôi và vợ cũ cũng trao đổi hỏi han về cuộc sống của các con cháu.
Quan điểm là vì con, vì cháu chung, nên lúc nói chuyện trên điện thoại hoặc Zalo, tôi chỉ gọi là bà xưng tôi. Hơn nữa, hơn ai hết, tôi hiểu chuyện gì ra chuyện đó, cái gì đã qua là chuyện cũ, và tôn trọng cuộc sống hiện tại.
Nhưng vợ tôi lại xem trộm điện thoại tôi, thấy tôi để chế độ ẩn Zalo nên đã bức xúc, tra hỏi và nghi ngờ tôi có mối quan hệ ngoài luồng. Tôi nói với cô ấy rằng tôi để ẩn nick của 2 thằng con trai, vì bố con có mấy chuyện tế nhị thỉnh thoảng cần trao đổi. Nhưng cô ấy không tin và giận hờn làm tôi rất mệt mỏi.
Xin chị Hạnh Dung tư vấn giúp tôi. Tôi phải làm sao để mọi chuyện ổn thỏa? Xin trân trọng cảm ơn!
Minhnguyen
Anh Minhnguyen thân mến,
Khi vợ xem trộm điện thoại của anh, có nghĩa là anh đã làm hoặc có biểu hiện gì đó khiến chị ấy phải nghi ngờ, mất lòng tin. Thật ra, điều này cũng thường thấy ở tâm lý của những người đến sau. Họ luôn có cảm giác lo lắng "tình cũ không rủ cũng tới", và luôn đề phòng người cũ của chồng.
Nói vậy, để anh có chút thông cảm với những sự kiểm tra, tra hỏi, nghi ngờ của vợ, mà bình tĩnh xử lý tình huống. Hãy cứ coi như đây là biểu hiện của tình yêu mà chị ấy dành cho anh. Trẻ hơn anh đến 15 tuổi mà vẫn thấy cần phải lo lắng về tình yêu của chồng dành cho mình, cũng là điều... lạc quan chứ, phải không ạ?
Tất nhiên, nếu đây là chuyện diễn ra không thường xuyên, và có điểm dừng đúng lúc trong việc nghi ngờ, giải thích và cuối cùng thấu hiểu, thì là chuyện vui. Còn nếu kéo dài và vẫn nhất định không tin nhau, thì lại là chuyện cần phải sửa chữa, thay đổi.
Trước tiên, Hạnh Dung nghĩ anh cần phải có những nguyên tắc rạch ròi và rõ ràng hơn nữa trong mối quan hệ với vợ cũ. Việc đưa các cháu đến nhà anh chơi, không nhất thiết vợ cũ anh phải đưa đến, mà đã đưa đến thì hãy tạo nên sự tiếp xúc bình thường, tự tin, đàng hoàng: vào thăm hỏi, trò chuyện với cả hai vợ chồng anh, chứ chẳng nên đưa đến cửa rồi về.
Cách giao tiếp này thể hiện sự tôn trọng của vợ cũ anh với vai trò, mái ấm của chồng cũ và người vợ sau. Nó rất văn minh và lịch sự nếu cả hai bên đều hiểu biết.
Nhưng hay nhất, theo Hạnh Dung là chính các con anh nên đưa cháu về chơi với ông và bà nội sau, hay là anh và vợ sau hẹn ngày đi thăm các cháu, đưa các cháu đi chơi một cách chính thức...
Hãy làm sao để vợ anh được tham gia vào đời sống gia đình chung, với các con và các cháu của anh, trong vai trò cũng khá đẹp: Bà nội sau hiền dịu, bao dung, dễ thương... Chắc chắn là khi anh cư xử khéo léo và tôn trọng vợ, chị ấy sẽ rất hài lòng với điều anh sắp đặt. Cảm thấy bị giấu giếm, ra rìa là cảm giác vô cùng khó chịu.
Hạnh Dung nghĩ rằng điều này sẽ giúp không khí thoải mái, tin cậy và nhẹ nhàng hơn. Ngay cả khi lúc ấy anh có những việc tế nhị cần trao đổi với các con, thì vợ anh cũng dễ thông cảm hơn khi biết rằng điều đó hoàn toàn không làm tổn hại tới hạnh phúc của gia đình mình.
Theo phụ nữ TPHCM