Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em lấy chồng được 4 năm, có 1 bé gái. Em tự nhận thấy vợ chồng em sống hạnh phúc. Chồng em hơn em 11 tuổi, chững chạc và có sự nghiệp vững vàng. Em được nhờ cậy chồng, từ nhà cửa đến chi tiêu mua sắm anh đều đáp ứng, miễn là em chừng mực, đừng xài lớn quá. Chỉ có một điều em băn khoăn.

Em có người bạn gái rất thân, sau khi tốt nghiệp ra trường, cô ấy làm việc cho một công ty nước ngoài rồi ra nước ngoài sống một thời gian, mới trở về Việt Nam mấy tháng gần đây. 2 đứa em vẫn giữ liên lạc thường xuyên, có chuyện gì cũng kể cho nhau nghe.

Bạn em là người phóng khoáng, môi trường làm việc cũng không định kiến. Cô ấy khá thoải mái trong chuyện bồ bịch, quan hệ, hút thuốc, uống rượu. Cô ấy lấy chồng được 1 năm thì chia tay, hiện cô ấy sống chung với bạn trai không ràng buộc.

Với em, bạn em là một thế giới hoàn toàn khác. Em thực sự ngưỡng mộ sự độc lập, thành đạt của cô ấy và cũng muốn được trải nghiệm một cuộc sống sôi động, mới mẻ như vậy.

Hầu như chuyện gì của bạn, chồng em cũng biết, vì em hay kể chuyện của cô ấy. Trước nay anh cũng tán thành, nhưng lần gần đây, khi em đi với bạn, anh tỏ ra không bằng lòng, hỏi đi đâu, làm gì, nói chuyện gì. Em rất ngạc nhiên.

Vài bữa sau, chồng em nói thẳng là anh không muốn em thân thiết với cô bạn đó, anh nghĩ cách sống của cô ấy không phù hợp với một phụ nữ đã có gia đình, em nên “chọn bạn mà chơi”. Anh còn điện thoại cho bạn em, nói rằng em bận lo việc nhà, con cái, cô ấy nên hạn chế rủ em ra ngoài.

Em buồn lắm. Em đâu có mấy người bạn thân, nếu bây giờ làm theo ý chồng thì mất bạn. Em nên làm thế nào để chồng thay đổi suy nghĩ?

Mai Thy (TPHCM)

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Em Mai Thy thân mến, 

Xét về mặt lý lẽ, việc chồng em can thiệp vào tình bạn của em là sai. Anh ấy không có quyền áp đặt quan điểm của mình, không có quyền cho phép hay cấm đoán vợ trong chuyện bạn bè, đặc biệt đây lại là người bạn thân từ lâu.

Nhưng xét về các mặt khác, chuyện của em phức tạp hơn. Em phụ thuộc chồng cả về tinh thần lẫn vật chất. Em tự thấy mình nhờ cậy, nương tựa vào anh ấy; bản thân anh ấy lại lớn tuổi, vững vàng hơn em.

Rõ ràng, anh ấy ở vị trí quyết định mọi chuyện trong nhà. Ngay cả quyết định không muốn em tiếp tục tình bạn đó cũng có thể được giải thích là do anh ấy lo cho gia đình, lo em sẽ bị nhiễm những thói quen hành xử không phù hợp… Lập luận thông thường là: anh chỉ muốn tốt cho gia đình mình thôi.

Thay đổi suy nghĩ này không dễ. Nhưng nếu bây giờ mình chấp nhận làm theo ý chồng một lần, em sẽ thấy những chuyện tương tự ngày càng xuất hiện nhiều hơn, dày đặc hơn.

Tuy nhiên, lúc này căng thẳng cũng chẳng lợi ích gì. Em có thể trì hoãn một thời gian, không chấm dứt tình bạn, nhưng có thể bớt gặp gỡ, bớt kể chuyện của bạn trong nhà, giữ cho gia đình yên ổn để chồng em bớt lo ngại, bớt kiểm soát. Lòng tin giữa vợ chồng phải được gìn giữ, đôi khi mình cũng phải co kéo, đặt gia đình lên mức ưu tiên cao hơn. 

Khi chuyện tạm yên rồi, em hãy nghĩ dài hơn một chút: em phải sống như chính em, chứ không phải sống theo ý người khác. Muốn vậy, phải có ý thức xây dựng sự độc lập của mình, đừng quá phụ thuộc vào chồng, con.

Em có nghề nghiệp, hãy tìm công việc phù hợp với mình; hãy bước ra ngoài, giao du, kết bạn. Mình cố gắng tạo ra sự cân bằng giữa đời sống gia đình và đời sống cá nhân, có công việc, suy nghĩ riêng. Tự lập không có nghĩa là không cần chồng con hay gia đình, em sẽ giúp chồng hiểu điều đó.

Khi chồng em chia sẻ được quan điểm ấy, tôn trọng sự độc lập của vợ, anh ấy sẽ tin tưởng vào vợ hơn, bớt áp đặt ý kiến. Em và bạn hiểu nhau, đã có một tình bạn lâu dài, chắc chắn bạn em hiểu đây là lúc phải điều chỉnh, để giữ được tình bạn ấy bền vững và giữ hạnh phúc của em nữa. Lùi một bước để tiến ba bước, chúc em thành công nhé. 

Theo phụ nữ TPHCM