Chị Hạnh Dung kính mến,

Tôi 34 tuổi, vợ 28 tuổi. Chúng tôi quen nhau 3 năm rồi mới tiến tới hôn nhân. Lúc quen nhau, tôi thấy vợ tôi cũng hiền, rất chiều chuộng và nghe lời tôi. Thế mà chung sống với nhau, tôi mới thấy hoàn toàn không phải vậy.

Vợ về làm dâu được nửa năm đã xảy ra nhiều mâu thuẫn với gia đình chồng, vì cô ấy là con gái út, không quen làm việc nhà. Bố mẹ tôi không quá khó khăn, nhưng tôi nghĩ chẳng ai chấp nhận một cô con dâu mà cái chén cũng không muốn rửa, cái nhà không muốn quét. Nhắc nhở thì vợ đùng đùng bỏ về nhà ngoại. Rồi tuyên bố nếu tôi không ở rể sẽ ly hôn.

Vì thương con, nên bố mẹ khuyên tôi thôi cứ chiều vợ, chứ nếp sống của em như thế thì cũng khó thay đổi. Tôi sống nhà vợ rất mệt mỏi vì bố mẹ, anh chị coi em như nữ hoàng. Rồi từ đó, họ mặc nhiên coi tôi như người đã khiến cuộc đời em bất hạnh, khốn khổ. Biết bao chuyện xấu em kể lể về gia đình tôi, về thời gian sống với bố mẹ tôi khiến cả nhà họ nhìn tôi và bố mẹ tôi như quái vật.

Nay chúng tôi vừa sinh con đầu lòng, gia đình em và em quyết định cho con mang họ mẹ, chứ không chịu lấy họ của tôi. Em còn tuyên bố là không muốn con lớn lên dính dáng gì đến gia đình bên nội.

Xin cho tôi hỏi luật pháp có quy định gì với việc con phải lấy họ ai không? Trường hợp vợ tôi khăng khăng làm theo ý cô ấy thì tôi có quyền quyết định gì hay không? Nếu bố mẹ tôi biết chuyện này, chắc là ông bà sẽ buồn lắm. Tôi cũng không biết nên làm gì nữa.

Thanh Hùng

 

Anh Thanh Hùng thân mến,

Căn cứ vào Khoản 2 điều 26 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về quyền có họ, tên như sau:

- Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ. Trường hợp không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán.

Như vậy thì việc vợ của anh muốn lấy con theo họ mẹ cũng không có gì là sai, nhưng điều này phải đạt được sự đồng ý của anh. Nếu như anh và vợ không thỏa thuận được với nhau thì sẽ theo tập quán. Mà tập quán chung của người Việt Nam ta xưa tới nay là con lấy họ cha, nó khiến lúc này, quyết định của vợ khiến anh phải suy nghĩ và lo lắng.

Anh có thể truy tìm trên mạng lý do vì sao người xưa lại lấy họ con là họ cha. Thông tin này cũng hết sức thú vị. Phát xuất từ thời mẫu hệ, người xưa đã nghĩ cho đứa trẻ sau này lớn lên, được xác định rõ người cha của mình là ai trong chính cái họ của mình. Xưa làm, nay theo chẳng bao giờ sai, một con người lớn lên sẽ thấy hạnh phúc và bình an khi biết rõ cha và mẹ mình là ai.

Tuy nhiên, thực chất, điều quan trọng anh cần phải nghĩ ở đây không đơn giản là cái họ của con, mà chính là mối quan hệ của vợ anh với gia đình chồng, và với chính anh.

Vợ anh, như anh kể, là một cô con út được nuông chiều, sống không có trách nhiệm và nghĩa vụ với gia đình. Từ đó mới nảy sinh ra những mâu thuẫn trầm trọng như vậy.

Quay trở về gia đình là môi trường tốt cho những cách sống sai của cô ấy được dung túng và phát triển. Nếu mạnh mẽ và vững vàng, anh nên tìm cách thuyết phục để hai vợ chồng được sống riêng, để có điều kiện điều chỉnh nhau cho đến khi trở thành một gia đình thực sự.

Hướng đi là như vậy, còn thực hiện như thế nào chỉ có thể là chính anh phải tìm cách, và cô ấy phải cùng hợp tác với anh, nếu cô ấy yêu thương anh thật sự, và cũng muốn cùng anh xây dựng một gia đình thực sự.

Theo phụ nữ TPHCM