Chị Hạnh Dung thân mến,

Vợ chồng tôi kết hôn được 5 năm mới có được con trai đầu lòng sau nhiều chạy chữa vô sinh khá vất vả. Cháu năm nay đã được 2 tuổi, thì đột nhiên tháng trước vợ tôi phát hiện đang có thai tự nhiên.

Hoàn cảnh của chúng tôi lúc này cũng còn khá nhiều khó khăn. Vợ thất nghiệp nằm nhà chăm con, nhà ở thuê trong khu lao động nghèo, tôi đi làm văn phòng, lương không tới 10 triệu.

Dù tôi đã cố gắng chạy xe ôm công nghệ thêm vào buổi tối, nhưng thu nhập cũng không khá lên bao nhiêu. Về đến nhà cũng đã quá mệt mỏi, không giúp được vợ chăm con. Nhưng tôi vẫn tha thiết muốn có đứa con này.

Tôi thuyết phục vợ rằng, con là món quà của trời. Mình khó lắm mới có con, thì đứa trẻ này chính là điềm may mắn, rằng mọi việc sẽ dễ dàng hơn... Nhưng vợ tôi nhất định không muốn sinh thêm. Cô ấy nói cô ấy quá sợ những khó khăn, túng quẫn. Hơn nữa, tôi đi làm ban ngày, tối còn chạy xe, không ai phụ giúp thì làm sao cô ấy chăm 2 đứa trẻ cùng lúc.

Tôi nghĩ trời sinh voi sinh cỏ, rồi cũng sẽ có những tháo gỡ giùm, mà cô ấy khăng khăng không nghe, còn đòi ly hôn nếu tôi nhất quyết bắt cô ấy sinh con.

Tôi nên thuyết phục vợ cách nào đây chị Hạnh Dung? Bỏ con thì xót quá, mà thuyết phục vợ thì không được. Xin chị Hạnh Dung cho tôi ý kiến ạ.

Thành Công

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Anh Thành Công thân mến,

 Hạnh Dung nghĩ rằng không chỉ mình anh đau khổ, buồn bã và khó chấp nhận được việc phải bỏ con đâu anh. Chắc chắn để quyết định điều này, vợ anh còn đau khổ và khó khăn để chọn lựa hơn anh, bởi cô ấy là người mẹ, và không có người mẹ nào lại dễ dàng từ bỏ một điều đẹp đẽ thiêng liêng đến vậy.

Tuy nhiên, trong việc quyết định này, anh có cái khó của anh và cô ấy có cái khó của cô ấy. Với anh, ở vị trí là người trụ cột kinh tế gia đình, anh đã, đang và sẽ hết sức cố gắng để chu toàn cho gia đình nhỏ của mình.

Vừa làm việc công ty, vừa làm thêm ban đêm, một công việc làm thêm không mấy nhẹ nhàng, thậm chí còn nhiều rủi ro, bất trắc, mỏi mệt. Sự hy sinh và tinh thần trách nhiệm của anh rất lớn. Nếu có thêm con, anh sẽ phải gánh thêm bao nhiêu nỗi vất vả nữa, thế nhưng anh vẫn không nề hà, đủ thấy một tấm lòng người cha rất quảng đại.

Khó khăn của vợ anh là khó khăn của người phải trực tiếp chăm sóc, lo lắng cho con cái, nó có những thực tế không thể nào chối cãi được. Số tiền chồng đưa về để chăm cho một gia đình với một đứa con thôi, đã là không đủ. Giờ thêm một đứa nữa sẽ ra sao?

Nhiều người cho rằng phụ nữ ở nhà chăm con là... nhàn. Điều đó không đúng đâu ạ. Với một đứa trẻ ở trong khu xóm trọ lao động, hàng ngàn nguy hiểm có thể xảy ra, khiến cô ấy không thể lơi con ra một phút để giải quyết những nhu cầu sinh hoạt riêng của mình, chứ đừng nói là nghỉ ngơi.

Giờ đây thêm một đứa trẻ thứ hai, khi đứa thứ nhất vẫn còn quá nhỏ, còn bám mẹ, thì đủ hiểu đó là áp lực lớn thế nào với cô ấy. Cái viễn cảnh thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần chắc chắn làm cô ấy khiếp sợ, và có một chọn lựa có vẻ tàn nhẫn, nhưng là lựa chọn duy nhất cô ấy thấy đúng, để có thể đảm bảo được sự thăng bằng, ổn định cho gia đình và chăm sóc tốt hơn cho đứa con hiện tại.

Để thuyết phục cô ấy đồng ý giữ con thứ hai, anh cần phải có những kế hoạch hết sức cụ thể, chi tiết và thực tế, giúp cô ấy an tâm và tin tưởng, chứ không thể nói "trời sinh voi sinh cỏ" được.

Thứ nhất là anh phải có những khoản thu nhập dành cho việc sinh nở và nuôi cả 2 con. Thứ hai là phải có người phụ vợ anh chăm con trong khoảng thời gian ít nhất là 2 năm nữa. Thiếu những điều kiện như vậy, quyết định của anh có thể đẩy gia đình vào tình trạng vô cùng khó khăn.

Việc có thêm một thành viên trong gia đình là quyết định chung của hai vợ chồng, dựa trên rất nhiều điều kiện cần và đủ. Lắng nghe, thấu hiểu và giải quyết cho rốt ráo mọi vấn đề của bên kia đưa ra là điều tối cần thiết.

Trong trường hợp chính bản thân anh không thể làm gì được ngoài những mong muốn cảm tính, thì anh nên tôn trọng những quyết định mà vợ mình đã chọn lựa một cách bình tĩnh và sáng suốt.

Theo phụ nữ TPHCM