Chị Hạnh Dung thân mến,
Trên một trang mạng xã hội, vợ tôi là thành viên tích cực của một hội nhóm gia đình. Hội này có vẻ rất đông chị em, có một số ít anh em và thường tuyên truyền là hội lập gia để giúp bảo vệ gia đình hạnh phúc.
Thế nhưng một vài lần vào đọc các bài viết, comment của hội này, tôi thấy rợn người. Vì những bài viết đa phần là của những người đang có vấn đề trong hôn nhân. Họ đi tìm những lời giải đáp của mọi người cho những khó xử, bế tắc của mình.
Thay vì tìm đến một chuyên gia tâm lý, hay ít nhất là ai đó hiểu biết về gia đình họ một cách đầy đủ, thì họ kể lể những ấm ức, tức giận của mình trên đây, và có thể ngay lập tức nhận được hàng trăm bình luận.
Điều đáng nói là thay vì hô "Sát Thát" như trong hội nghị Diên Hồng xưa, thì ở đây tiếng hô "ly hôn" luôn vang rền. Những câu chuyện được kể một cách phiến diện, chỉ từ một phía, lập tức nhận được các bình luận ủng hộ khuyến khích "chủ thớt" ly hôn.
Thật sự, tôi thấy trang hội nhóm này vô cùng độc hại cho đời sống gia đình, nó luôn khuyên những người ấm ức phải bỏ chồng, cho rằng đó là sự mạnh mẽ, can đảm, chỉ cần có tiền nuôi con là được, nên cứ âm thầm chuẩn bị thu gom tiền bạc rồi ly hôn...
Tôi nói với vợ, nếu em mê và tin những trang mạng thế này, thì khéo chẳng mấy chốc mà em và anh sẽ ly hôn. Tôi khuyên vợ nên từ bỏ, và nếu thật sự có vấn đề gì giữa chúng tôi, thì vợ chồng tôi sẽ cùng đi đến chuyên gia tâm lý.
Thế nhưng vợ tôi khăng khăng từ chối, nói rằng đọc các bài viết ở đây rất thú vị, nó giúp cho vợ có thêm kinh nghiệm về hôn nhân, gia đình. Nhưng tôi thấy các kinh nghiệm ở đây đa phần hết sức độc hại và tiêu cực.
Tôi phải làm sao cho vợ từ bỏ trang mạng này? Xin chị Hạnh Dung hãy giúp tôi, để tôi có thể giữ được gia đình trước những bình luận hung tợn kia?
Thanh Vũ
|
Ảnh minh họa |
Anh Thanh Vũ thân mến,
Cái gì dù tốt đến đâu, khi sử dụng quá liều thì cũng thành không tốt, phải không anh? Điều này không chỉ đúng với việc thuốc men hay ăn uống, mà là cả trong những việc khác, như sử dụng mạng xã hội chẳng hạn.
Hiện nay, trên các trang mạng xã hội có khá nhiều diễn đàn hôn nhân gia đình, và luôn có đông đảo người tham dự. Có những người khi bế tắc, không tự giải quyết được vấn đề của gia đình mình, thì đưa câu chuyện đó lên diễn đàn, tham khảo ý kiến của nhiều người.
Vì là diễn đàn, nên sẽ có những lời khuyên tốt, và cũng có những lời khuyên không phù hợp, phiến diện. Nó phụ thuộc vào nhiều điều, như hiểu biết, kiến thức, kinh nghiệm, và cả trải nghiệm của mỗi người từng có trong những trường hợp tương tự.
Người đọc, người tham gia, như vợ anh, cũng sẽ cần có những sàng lọc như vậy khi tham gia vào diễn đàn, tìm ra điều gì phù hợp với mình, kiến thức bổ sung và hiểu biết của mình, chuẩn bị cho mình những cái nhìn công bằng, hợp lý như những kinh nghiệm được truyền qua nhau.
Không thể cấm chị ấy tham gia một diễn đàn lành mạnh và có những điều ích lợi, thì Hạnh Dung nghĩ anh có thể cùng vợ tham gia vào diễn đàn. Cùng đọc các câu chuyện, bình luận và trao đổi với nhau xem ai đúng, ai sai, ai hợp lý, ai vô lý.
Những bàn luận, tranh cãi hay đồng ý kiến sẽ là một kho kiến thức ứng xử mà anh chị tự trang bị cho gia đình mình. Chỉ cần anh chị biết nhìn mọi việc từ một góc nhìn công bằng và tự nhiên, biết thỏa thuận với nhau để có được những kết luận chung phù hợp.
Theo phụ nữ TPHCM