Chị Hạnh Dung kính mến,

Tôi 42 tuổi, cưới vợ lần hai đã được 5 năm. Vợ tôi thuộc kiểu cuồng ghen, đặc biệt chỉ ghen với vợ cũ của tôi. Dù tôi với vợ cũ không còn liên lạc, cũng không có con chung. Suốt 5 năm, tôi nỗ lực giải thích, phân tích, dìu cô ấy qua những trận suy diễn đến mất trí. Nhưng chuyện này vừa ổn thì chuyện khác lại tới, toàn chuyện “vớ vẩn”.

Ví dụ, tôi thích nghe nhạc Pháp. Cô ấy biết điều này từ lâu, nhưng khi phát hiện vợ cũ của tôi giỏi tiếng Pháp, cô ấy lại suy diễn, gán ghép và nổi cơn lôi đình. Tôi phải cố phân tích và cô ấy “đã hiểu, không còn suy nghĩ nữa”. Nhưng thỉnh thoảng, cô ấy lặp lại từ đầu tất cả những diễn biến cuồng nộ, mất trí đó.

Tôi có niềm tin rằng chúng tôi đều là những người có học thức, có thiện chí thì mọi chuyện rồi sẽ qua. Ngoài chuyện ghen, vợ tôi vốn hiểu chuyện, biết lý lẽ. Tôi đã thử mọi cách, thậm chí đã đề nghị cô ấy nói xem tôi cần phải làm gì để cô ấy yên tâm và danh sách những điều cần làm đó là… không có gì cả. Dùng lí trí để quan sát thì cô ấy thừa hiểu tôi không có khoảng trống nào để ngoại tình, dù là trong tư tưởng.

Và trận ghen đầu năm nay của cô ấy đã vượt khỏi giới hạn của tôi. Vẫn là từ một “dấu hiệu vớ vẩn” nào đó và cô ấy bắt đầu hạch hỏi, rồi to tiếng, rồi ném đồ đạc, bất chấp sự hoảng loạn của con nhỏ mới 3 tuổi và mẹ tôi đã 70 tuổi.

Tôi đề nghị ly hôn. Từ đó đến nay, mọi chuyện ồn ào theo một cách khác: nhà vợ gọi điện trách mắng tôi, cô ấy van xin tôi nghĩ lại.

Lòng tôi đã lạnh, chỉ muốn thoát khỏi cô ấy. Có điều, tôi xót con trai, xót cả cái mái ấm mà cách đây vài năm tôi đã hăm hở và đầy hy vọng…

Đức H. (TPHCM)

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ

Anh Đức H. mến,

Có lẽ anh đã cố gắng rất nhiều. Có vẻ như, sự “lạnh lòng” bây giờ là phản ứng của anh để “bảo vệ” bản thân. Suốt 5 năm bị nghi ngờ và liên tục bị tấn công bởi sự nghi ngờ, anh đã căng mình lên để nghĩ cho vợ, hành động vì vợ. Đến khi bên trong anh mỏi mệt thì cảm giác “lạnh băng” và muốn “thoát”, muốn giữ khoảng cách cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng nỗi ưu tư của anh cũng rất đáng lưu tâm. Điều anh muốn vứt bỏ bây giờ đâu phải chỉ là sự phiền phức, nỗi mệt mỏi từ những trận ghen. Đó còn là đứa con, là người vợ, là mái ấm mà anh từng rất yêu thương và tâm huyết. Trước nay anh chưa một lần có ý định từ bỏ. Vậy thì, hãy xem đây là lần đầu anh có ý định và hãy chậm lại, làm từng bước thật chậm.

Trước mắt, anh và vợ có thể giữ tình trạng ly thân để cả hai cùng ổn định tâm lý và nhìn lại mọi thứ. Trong thời gian đó, anh hãy đề nghị vợ tham gia các lớp học nâng cao sức khỏe tinh thần, tập yoga hoặc một môn thể thao nào đó để cân bằng cảm xúc.

Bản thân anh hãy dành cho mình một khoảng không để thư giãn, để tự cân bằng và bù đắp cho những căng thẳng liên tục suốt thời gian qua. Hãy trò chuyện bình tĩnh, nghiêm túc với nhau rằng cả hai cần được yên tĩnh. Việc tạm xa nhau một thời gian là để tránh những rủi ro cảm xúc có thể xảy ra, khiến mọi thứ thêm tệ và gây hại cho sức khỏe tinh thần của cả hai. 

Nghe chuyện của anh, Hạnh Dung lo rằng vợ anh có tổn thương tâm lý cần được điều trị. Như anh nói, cô ấy vốn hiểu chuyện và biết lý lẽ, chỉ riêng với chuyện người cũ thì cô ấy như mất trí mà khi đã qua cơn cao trào, cô ấy cũng nhận ra mình sai, nhưng đến khi vào việc thì lặp lại phản ứng cũ và không thể kiểm soát được cảm xúc, hành động.

Vì vậy, anh hãy hỗ trợ cô ấy tiếp cận với các bác sĩ tâm lý giỏi. Đây có thể là một mắt xích mà nếu quyết tâm gỡ, Hạnh Dung rất hy vọng rằng anh và vợ sẽ có thể tiếp tục hôn nhân trong êm ấm, hạnh phúc.

Hãy dùng lý trí để tuần tự giải quyết từng việc một và đừng quên rằng cô ấy là người vợ anh đã yêu thương, cô ấy đang cần anh giúp đỡ đúng cách. Hãy thử một lần nữa, anh nhé!

Theo phụ nữ TPHCM