Chị Hạnh Dung kính mến,
Vợ em đang có bầu tháng thứ 4, em và cô ấy lại bất hòa. Cô ấy muốn khi bầu 6, 7 tháng sẽ chụp hình nude, để lưu giữ lại khoảnh khắc đẹp nhất trên cơ thể của mình trong thời điểm mang thai.
Em thấy đó chỉ là chuyện đua đòi của nhóm bạn vợ em, vì cô nào cũng chụp hình nude lúc chưa chồng và có con. Em không thích chuyện này. Em thấy có gì đó không đàng hoàng. Nhưng vợ nói cơ thể là của cô ấy, cô ấy muốn làm gì với nó cũng được.
Xin chị cho em một lời khuyên, em có quá khó chịu, cứng nhắc và không coi trọng tình cảm với con như vợ em nói không ạ?
Hoàng Văn Hưng
Anh Hoàng Văn Hưng thân mến,
Anh không phải khó chịu và cứng nhắc, mà là... quá khó chịu và cứng nhắc rồi. Từ rất xa xưa, người ta đã vẽ tranh phụ nữ nude. Nhiều bức đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng.
Cả nhân loại trầm trồ, ngưỡng mộ những bức tranh đó, và chúng được giữ gìn từ năm tháng này sang năm tháng khác. Những người phụ nữ làm mẫu cũng đã mất từ lâu, nhưng vẻ đẹp của họ thì tồn tại mãi với thời gian.
Thế hệ sau ngắm tranh những phụ nữ khỏa thân của thế hệ trước, chẳng ai nói rằng họ là những người không đàng hoàng, hay việc vẽ những bức tranh đó là không đàng hoàng. Dù rằng để có được những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời ấy, người mẫu không chỉ cởi bỏ quần áo, đứng trước người họa sĩ không chỉ vài chục phút, mà có khi là hàng tuần, hàng tháng...
Lưu giữ lại vẻ đẹp của mình qua năm tháng là việc bất cứ người phụ nữ nào cũng mong muốn và sẵn sàng thực hiện, nếu có thể vượt qua được những ngại ngùng, mặc cảm, lo lắng hay sự chỉ trích, phản đối... của người thân.
Khi người phụ nữ có bầu, ở trong cơ thể họ lại là một vẻ đẹp hoàn toàn khác với vẻ đẹp thanh xuân. Vẻ đẹp đó nằm sau sự thay đổi vóc dáng và trong ý nghĩ: họ đang thực hiện một chức năng làm mẹ vô cùng thiêng liêng. Họ muốn ghi chép, giữ lại khoảnh khắc đó mãi mãi... cũng là điều dễ hiểu và chấp nhận được.
Chụp ảnh nude khi có bầu đã trở thành một trào lưu, theo Hạnh Dung và có lẽ nhiều người cũng nghĩ: chẳng có gì là xấu cả. Cái gì tốt đẹp thì người ta muốn làm, và nhiều người cùng làm, thì ý nghĩa của nó được trân trọng và chia sẻ.
Cô ấy nói có phần đúng, cơ thể là của cô ấy, và cô ấy có quyền làm gì cô ấy muốn. Nhưng tất nhiên, khi hai người đã là vợ chồng, thì sự gắn bó, phụ thuộc vào nhau không chỉ mang ý nghĩa tinh thần, mà còn có cả ý nghĩa vật chất: phần nào đó của cơ thể của cả hai đã trở thành "một tài sản" chung, cái chung mang đầy ý nghĩa tình cảm.
Nói như cô ấy, rằng anh không thương con, thì Hạnh Dung nghĩ là không phải. Sự phản đối của anh có thể là định kiến, cá nhân anh không thích điều đó vì thấy nó không hợp với cách sống, cách nghĩ của mình. Nhưng cũng có khi đó là vì tình thương yêu, anh muốn bảo vệ sự riêng tư của cơ thể vợ, cùng những khoảnh khắc bầu bì riêng của vợ chồng.
Tuy nhiên, với những phân tích của Hạnh Dung về tranh, ảnh nude, về sự mong muốn đẹp đẽ và rất... có lý của người phụ nữ, Hạnh Dung hy vọng rằng anh có thể thay đổi phần nào cái nhìn của mình về việc chụp ảnh nude, và nhất là chụp khi đang mang bầu của vợ anh.
Để tiết giảm sự khó chịu của mình, anh và vợ có thể cùng bàn bạc để tìm một nhiếp ảnh gia uy tín. Một tay nghề chụp ảnh giỏi sẽ cho ra những bộ ảnh nude nghệ thuật mà người xem không thấy thô kệch, dung tục. Một tay nghề chụp ảnh tầm thường sẽ khiến những bức ảnh gây phản cảm.
Sau khi chọn được nhà nhiếp ảnh giỏi, anh, vợ và người chụp ảnh hãy bàn bạc chọn một concept chụp ảnh đẹp, có mức độ lộ thân thể vừa phải, biết chọn điểm nhấn đúng, và sử dụng thêm đạo cụ như khăn voan, hoa... để che bớt những điểm nhạy cảm.
Những gợi ý của Hạnh Dung có lẽ sẽ giúp vợ chồng anh dung hòa được sự mong muốn của vợ, và những lo lắng, e ngại, khó chịu của anh. Để kỷ niệm đẹp được lưu giữ trong hạnh phúc của bố - mẹ tương lai của cháu bé.
Theo phụ nữ TPHCM