An mở máy tính định làm việc thì nhận được tin nhắn của cháu gái: “Dì sắp xếp sang chăm mẹ cháu vài ngày được không?”.
An chần chừ không trả lời ngay vì bản thân cô còn mệt và công việc tồn đọng quá nhiều. Hôm qua, khi An vừa xách vali về nhà, chồng đã nói khó chịu: “Sao em không ở thêm vài tuần nữa để con quên mặt mẹ luôn đi”. Bây giờ nhận lời cháu gái chắc chắn chồng sẽ giận, còn từ chối thì An thấy áy náy.
Khi An lớn lên cha đã già yếu, nên anh Hai và các chị thay nhau nuôi cô học đại học. An luôn cảm thấy nợ anh chị nên tìm mọi cách để trả ơn. Chỉ cần anh chị nhờ việc gì, cô cũng tạm gác việc cá nhân để giúp đỡ. Nhiều lúc, An thấy khó xử, thèm khát được sống cuộc sống của riêng mình nhưng không được.
Mỗi lần cha ốm đau, An luôn là người túc trực chăm nom ở bệnh viện vì anh chị không thể xin nghỉ nhiều. Còn cô, chỉ gác lại một dự án đồng nghĩa không có tiền, chứ không ảnh hưởng lâu dài. Những lần như thế, An đều tặc lưỡi cho qua, tự nhủ tháng sau sẽ làm việc bù lại.
Nhưng cuộc sống quá nhiều việc, hết chuyện này đến chuyện khác từ gia đình của người thân làm An bị tác động. Có đợt, An hết chăm cha ốm lại đưa cháu gái đi thi, rồi về trông nom việc xây nhà thờ ở quê. Lúc đầu, chồng An còn thông cảm, nhưng về sau dù không nói ra nhưng trong mắt anh, cô là người bao đồng, chỉ giỏi bỏ bê việc nhà.
Đợt vừa rồi, An về quê chăm chị dâu ở cữ hơn một tháng. Khi anh Hai nhờ vả, An cũng đắn đo nhưng cô thương anh chị. Lấy nhau hơn 10 năm mới có con, bà ngoại và bà nội đều đã mất nên không có người phụ giúp. Đã trải qua 2 lần sinh nở, An thấu hiểu cảm giác mệt mỏi của người mẹ sau sinh.
Thêm nữa, An nghĩ đến những đồng tiền anh chị chắt chiu nuôi cô ăn học nên lại không nỡ từ chối. Có vài lần chồng gọi điện giục về sớm, nhưng nhìn đứa cháu đỏ hỏn, khó nuôi, vợ chồng anh chị lớn tuổi lóng ngóng, An lại nấn ná ở lại.
Trên đường trở về nhà, nhắn tin không thấy chồng trả lời, An tự nhủ nốt lần này nữa thôi, cô sẽ tập trung lo cho gia đình. Nhưng ngay sau đó, An biết tin chị gái nhập viện do đột quỵ.
Tin nhắn nhờ vả của cháu gái khiến An khó xử. Gia đình chị gái cũng hoàn cảnh, chồng mất sớm, 2 đứa cháu học lớp 9 và 12, đang vào giai đoạn ôn thi nước rút. Nếu không chăm sóc chị giúp cháu thì 2 đứa không có thời gian để học, có khi bỏ lỡ cơ hội cả đời.
|
An nhận ra đã đến lúc cô phải biết sống cho bản thân và gia đình nhỏ của mình. (hình minh hoạ) |
An chưa kịp mở lời với chồng về chuyện này thì anh nói trước: “Con chị Liên có nhắn cho anh để nhờ em qua chăm chị vài tuần”.
An định giải thích thì chồng tiếp lời: “Đi hay không là quyết định của em nhưng anh thấy, em không thể ôm đồm việc nhà người khác mãi được. Con còn nhỏ, anh vẫn chu toàn được, nhưng em cần dành nhiều thời gian cho con hơn. Em có thể giúp anh chị bằng cách khác, chứ không nhất thiết phải tự tay mình làm mọi việc”.
Chồng gợi ý cho An tìm người giúp việc cho nhà chị gái và hỗ trợ một phần chi phí. An nghe chồng phân tích thấy cũng có lý. Thay vì bỏ công việc để chăm người nhà, An vẫn có thể làm việc bình thường và giúp đỡ về tiền bạc.
Lời khuyên của chồng làm An thấy nhẹ lòng vì đã tìm ra cách dung hoà được cả hai bên. An thấy may mắn khi cuộc sống hôn nhân yên ổn nhưng chính điều đó làm An quên mất mình còn có một gia đình nhỏ cần chăm lo. Những điều chồng nói làm An nhận ra đã đến lúc phải biết sống cho bản thân và gia đình nhỏ.
Theo phụ nữ TPHCM