Vân rời tòa án sau khi nộp hồ sơ ly hôn. Cô gái làm việc ở phòng tiếp nhận hồ sơ, sau khi kiểm tra các loại giấy tờ, đã khuyên Vân mấy câu. Cô bảo, thời gian tối đa để giải quyết hồ sơ là khoảng 4 tháng, nhưng nếu sau hơn 1 tháng mà chưa có động tĩnh gì thì Vân có thể đến tòa để xem trường hợp của mình đã được thụ lý đến đâu.
Sáng nay, chồng Vân vẫn đi làm bình thường, không hề biết chuyện cô nộp đơn xin ly hôn đơn phương. Nhiều lần trước, anh mặt đỏ tía tai, cấm Vân nhắc đến từ “ly hôn”. Anh bảo: “Vợ chồng ăn đời ở kiếp với nhau, không thể tránh khỏi lúc mâu thuẫn, mệt mỏi; không thể chỉ vì thất vọng, cãi cọ mà em đem chuyện ly hôn ra nói bừa”. Mong muốn được gắn bó dài lâu của chồng, Vân vẫn còn nhớ. Nhưng hành động của anh luôn khiến cô buồn.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Để hoàn thành thủ tục, mấy tháng nay, Vân đã âm thầm chuẩn bị. Lần đầu, cô chỉ tham khảo mẫu đơn ly hôn trên mạng rồi viết theo. Nhưng sau khi đến nộp, tòa yêu cầu Vân phải cung cấp, công chứng, xác nhận thêm nhiều loại giấy tờ khác. Vân đã thầm thở phào, nhẹ nhõm trong mấy lần hồ sơ bị trả lại ấy. Vân vô tình lại có thêm những “khoảng chờ” để cân nhắc, níu kéo cuộc hôn nhân.
Sau nhiều năm chung sống, Vân nhận ra chồng mình vẫn làm việc, kiếm ra tiền. Thế nhưng chồng Vân quan niệm, đã gọi là cuộc sống thì phải có nhiều niềm vui. Niềm vui đến từ những cuộc gặp gỡ, bù khú với bạn bè, từ những trò tiêu khiển phù hợp với đam mê, sở thích cá nhân.
Bao năm qua, anh đã tiêu tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc và sức khỏe cho những thú chơi vô bổ trong khi các con thì ngày càng lớn, càng cần tiết kiệm, tích lũy để có thêm chi phí học hành. Trong 2 năm gần đây, Vân đã 6 lần xin nghỉ phép để vào bệnh viện chăm chồng chấn thương do bia rượu.
Nói không nghe, khuyên không lại, Vân rã rời trong những cuộc chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh với chồng. Cô càng lúc càng thấm mệt và tin rằng các con mình sẽ chẳng thể có tương lai tốt đẹp khi cha chúng mãi như đứa trẻ ham chơi.
Lần này, hồ sơ ly hôn đã hợp lệ, chính thức được tiếp nhận. Giữa Vân và chồng vẫn còn một “khoảng chờ” nữa. Nhưng Vân đón nhận nó với một thái độ quyết liệt, không dây dưa níu kéo như mấy lần trước. Cô cảm nhận khoảng chờ cuối này có sức mạnh hệt như “chiếc thẻ vàng” mà những trọng tài thường rút ra khi cầu thủ phạm lỗi trên sân cỏ. Nó sẽ cảnh cáo, giúp chồng Vân điều chỉnh những sai phạm nếu không muốn “rời sân”.
“Em đã nộp đơn rồi” - Vân nói và chìa ra trước mặt chồng tờ giấy biên nhận có đóng dấu đỏ của tòa án quận. Chồng nhìn Vân, nhìn tờ giấy, gương mặt rũ xuống mà không nói gì. Đến lúc này anh mới vỡ lẽ, Vân đủ quyền và cũng hoàn toàn nghiêm túc trong lựa chọn.
Vân nói tiếp: “Nếu anh không thay đổi để trở thành một người chồng, người cha có trách nhiệm; em cũng có cách để giành quyền nuôi con”.
Theo phụ nữ TPHCM