Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em năm nay 38 tuổi, chồng em 41 tuổi. Vợ chồng cưới nhau được 8 năm, có 2 bé gái. Cách đây mấy năm, vợ chồng em có bất đồng, một phần do chị Hai của chồng em vay mượn tiền bạc không rõ ràng, phần nữa do em nghi ngờ chồng có người khác.

Trong thời gian đó, tinh thần em rất căng thẳng, thường xuyên mất ngủ. Em nghĩ đó là nguyên nhân khiến em bị tai nạn xe máy trên đường đi làm. Em bị gãy xương đùi, mổ xong phải nằm yên tĩnh dưỡng theo lời bác sĩ; nhưng do nhà không có ai nên em đã phải dậy tập đi sớm. Giờ em thấy sức khỏe mình yếu đi, chân đi lại khập khiễng, em buồn tủi lắm.

Vậy mà, trong suốt thời gian đó, chồng em không nói một câu an ủi hay thể hiện anh hối hận gì. Anh còn đi nhiều hơn, cũng không thấy anh giục chị Hai trả tiền để lo cho 2 con còn nhỏ. 

Thời gian nghỉ do tai nạn hơi lâu nên em không giữ được việc làm. Công ty có hỗ trợ một phần tiền chữa bệnh, em cũng cố gắng tiết kiệm, nhưng không thể đủ lo tiền ăn học cho các con. Em vẫn phải chở các con đi học vì thuê xe ôm thì không an toàn và cũng tốn kém. Bên nhà ngoại cũng cho một khoản tiền nhỏ, nhưng đâu có mà cho hoài. Em có nói chuyện với chồng về chi tiêu trong nhà, nhưng anh nói do em không biết quản lý tiền bạc.

Mới đây, em quyết định gọi điện hỏi thẳng chị Hai về khoản tiền trước đây chị mượn, chị Hai nói đã trả cho chồng em rồi. Em có nói chị mượn của 2 vợ chồng, lúc trả cũng phải trả trước mặt cả hai, sao chị trả riêng cho 1 người. Chị Hai nói chồng em phải giữ tiền phòng thân chứ đưa cho em bao nhiêu tiền cũng hết.

Em nghe mà nghẹn lời, không biết nói sao. Nhà thiếu thốn, em bệnh tật cũng phải nhịn ăn nhịn mặc lo cho con, vậy mà chị em họ tính để tiền riêng. Cũng không biết chồng em để tiền dành phòng thân hay đã lo cho ai khác. Em nên làm sao bây giờ chị ơi?

Ngọc Trân (TPHCM)

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Em Ngọc Trân thân mến,

Dọc con đường dài hôn nhân, bao nhiêu chuyện buồn vui, may mắn và bất hạnh có thể xảy ra. Tình yêu là nền tảng cho sự chia sẻ vui buồn, sự đồng cảm với mọi bất hạnh, đau đớn mà vợ hay chồng gặp phải. Nếu 1 trong 2 người chỉ lo nghĩ riêng cho mình, thủ thế phòng thân, tức là cái nền tảng tình cảm ấy đã có chút rạn nứt.

Với gia đình em, từ lúc em nghi ngờ, mâu thuẫn, cho đến khi em gặp rủi ro tai nạn, đến giờ em phải một mình bươn chải mà chồng không có biểu hiện nào chia sẻ. Điều đáng lo không chỉ là xoay xở như thế nào với hiện tại, mà sâu hơn thế là nền tảng gia đình còn đủ vững để mình giữ ngôi nhà hôn nhân yên ổn hay không.

Em hãy dành thời gian nhìn lại thật kỹ tình cảm của mình, chấp nhận thực tế rằng có thể mọi chuyện đã không còn như trước. Hạnh Dung hiểu, lúc này, với em, còn có sự tự ti do mình không còn trẻ, mình không khỏe mạnh hoàn hảo, mình không có việc làm… Tất cả những điều này có thể vùi dập khả năng tự lập của em, khiến em tha thiết bấu víu vào cái vỏ gia đình và cảm giác mình còn có chỗ dựa.

Nhưng khi nhìn lại, em sẽ thấy mình có một động lực vô cùng mạnh mẽ: em có các con, em vẫn đang là người chăm lo cho các con. Em đã vượt qua giai đoạn tệ nhất về sức khỏe, em đang hồi phục. Tất cả đều có nghĩa là em mạnh mẽ chứ không hề yếu đuối.

Em hãy sắp xếp một cuộc nói chuyện với chồng, trình bày cho anh ấy hiểu tất cả các khoản chi tiêu trong nhà, tình trạng kinh tế eo hẹp, những gì em đã phải tự cắt giảm để có tiền lo cho con.

Em có thể hỏi ngay về khoản tiền chị Hai đã trả, nhưng đừng coi khoản tiền ấy là tất cả mục tiêu, hy vọng; chỉ là em muốn biết mọi chuyện cho rành rẽ để có thể lập kế hoạch cho gia đình, thế thôi.

Song song, em có thể tính toán khả năng tìm việc làm phù hợp, tự mình giải quyết một phần gánh nặng kinh tế. Có thể phải nhiều lần nói chuyện mới ra được lối thoát cho em. Còn nếu không, nếu mọi nỗ lực hàn gắn, chia sẻ của em đều thất bại, anh ta vẫn ích kỷ chỉ nghĩ đến riêng mình, em sẽ thấy quyết định chia tay là không thể tránh khỏi. Lúc đó, em cần xem xét pháp lý và thảo luận với luật sư.

Cố gắng chủ động trong suốt thời gian này em nhé, chúc em thành công. 

Theo phụ nữ TPHCM