Chào chị Hạnh Dung,
Chúng tôi quen nhau cũng hơn 10 năm rồi cưới, chung sống với nhau đến nay cũng đã được 16 năm rồi, và có một người con trai.
Trước đây, thỉnh thoảng chỉ khi giận nhau lắm thì vợ tôi mới chửi tục. Còn bây giờ, cứ mỗi lần chúng tôi cãi vã là cô ấy đều chửi tục một cách rất nặng nề. Trong khi tôi chưa bao giờ nói một câu nào khó nghe với cô ấy.
Tôi đã nói nhiều lần, nhưng cô ấy vẫn không thay đổi, vẫn nói những câu thiếu tôn trọng chồng. Bản thân tôi cũng không làm gì có lỗi. Chúng tôi chỉ cãi nhau về chuyện tiêu xài, cô ấy thường hay so sánh tôi với những người bạn giàu có của cô ấy.
Vậy tôi nên làm gì hở chị Hạnh Dung?
Nguyễn Văn Thành
Anh Nguyễn Văn Thành thân mến,
Quen nhau năm trước khi cưới, rồi cưới đã được 16 năm, vậy thì việc cô ấy chửi tục bắt đầu từ lúc nào anh nhỉ? Từ trước khi cưới hay là sau khi đã sống chung? Nếu là trước khi cưới, thì có nghĩa điều này đã có từ trong bản chất của cô ấy, là thói quen, là văn hóa của cô ấy. Vậy vì sao khi đó anh chấp nhận được, và vẫn có thể cưới cô ấy làm vợ?
Nếu là sau khi cưới rồi cô ấy mới bắt đầu chửi tục, thì anh xem lại bắt đầu từ điều gì mà cô ấy chửi tục như vậy? Cô ấy bức xúc, ấm ức, không thể nào giải tỏa được căng thẳng nào đó trong cuộc sống gia đình?
Theo Hạnh Dung, một người phụ nữ thường chỉ chửi tục vì hai lý do như vậy. Tuy nhiên, việc gì cũng có lần đầu tiên, nếu ngay từ lần đầu tiên anh đã ngăn chặn, tỏ thái độ không đồng ý và thẳng thắn đề ra những biện pháp yêu cầu cô ấy phải thay đổi, phải bỏ cách nói chuyện thiếu tôn trọng nhau đó đi, thì mọi việc có lẽ đã không tiến xa đến vậy.
Bây giờ, khi cô ấy đã chửi tục thành quen miệng, đến hàng chục năm rồi, thì việc thay đổi, sửa chữa một thói quen sẽ vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, từ những gì anh viết, Hạnh Dung thấy rằng vợ anh chỉ chửi tục khi vợ chồng cãi nhau về chuyện chi tiêu, tiền bạc. Nếu đã biết rõ như vậy, sao anh không tìm cách tránh những tranh cãi xung quanh vấn đề này?
Anh nghĩ mình không có lỗi gì, nhưng phải chăng cách trách móc, cách trả lời, cách anh phản ứng với những yêu cầu, mong muốn của cô ấy... và thậm chí là cả việc anh chưa hoàn toàn nỗ lực với vấn đề kinh tế gia đình với cô ấy là cái lỗi rất lớn, khiến cô ấy mệt mỏi, mất hy vọng, và mất dần việc coi trọng hình ảnh người chủ gia đình?
Việc gia đình nào cũng thế, nếu giải quyết dứt điểm được thì nên ngồi xuống, trò chuyện bình tĩnh cùng nhau, tìm ra hướng giải quyết. Sự bình tĩnh, ôn tồn của người này sẽ tác động lên người kia, nếu họ biết cách dẫn dắt câu chuyện, có những hường giải quyết vấn đề một cách rõ ràng và làm chủ được tình thế.
Nếu anh bình tĩnh và ôn tồn được, khi cô ấy bắt đầu chửi thì ngăn chặn ngay, nói với cô ấy rằng anh sẽ không tiếp tục nói chuyện, nếu cô ấy không tôn trọng anh và không tôn trọng mối quan hệ gia đình. Anh có thể im lặng, bỏ đi chỗ khác trong một khoảng thời gian đủ để cô ấy hiểu những phản ứng của anh.
Khi cô ấy bình tĩnh, hãy nhẹ nhàng phân tích cho cô ấy hiểu: hình ảnh một người vợ, người mẹ thường xuyên chửi tục trong mắt chồng con xấu như thế nào? Điều đó ảnh hưởng đến không khí gia đình và sự dạy dỗ con cháu như thế nào?
Hy vọng rằng cùng với sự điềm tĩnh, chuẩn mực, nghiêm khắc mà anh cố giữ cho bản thân và làm gương cho vợ, sẽ giúp cô ấy dần dần hiểu ra. Cùng với tuổi tác, con người sẽ chỉ muốn được an và yên trong cả hành động lẫn lời nói. Mong rằng cả hai người sẽ dần có thể cùng nhau tìm ra được tiếng nói chung, để giải quyết những căng thẳng của gia đình.
Theo phụ nữ TPHCM