Mẹ bệnh, phải vào bệnh viện. Chị luống cuống tìm thẻ bảo hiểm y tế cho mẹ, mẹ chẳng nhớ rõ đã để ở đâu. Chị tìm thấy mẹ kẹp tấm thẻ trong cuốn sổ đi chợ hằng ngày. Một dòng chữ chạy dài đập vào mắt chị: “Mua 5kg sấu để ngâm cho con, định thuê gọt vỏ nhưng mất 5k/1kg, tiếc tiền nên mang về nhà tự gọt”.

Chị lật những trang tiếp. Phía cuối những cái gạch đầu dòng ghi những thứ cần mua khi đi chợ thi thoảng lại một dòng tâm trạng của mẹ như: “Sáng ra, cầm bó rau lên rồi lại đặt xuống vì đắt quá”, “Tôm đang ho, bà ra chợ tìm mua lá húng chanh không có, hôm nào về quê phải mang một cây lên trồng trên sân thượng”, “Cũng nhớ tối qua con gái dặn mua cá chép to nhưng ra chợ không có nên phải mua cá trắm, về nhà bị nó cằn nhằn”, “Nay bà bị mẹ Tôm mắng vì lỡ mua bim bim cho Tôm ăn nhưng vì thấy Tôm xin mà bạn không cho bà thấy tội”…

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ

Cuốn sổ này chị vẫn thấy mẹ thường gác trên tủ bếp để ghi chép mỗi ngày đi chợ vì tính mẹ hay quên. Nhưng chị chưa một lần lật nó ra, cũng như chị chẳng mấy khi để ý đến tâm trạng của mẹ. Có lẽ chị đã mặc định với mẹ chẳng có gì phải giữ ý, phải ái ngại.

Ngay cả những buồn bực, chị cũng buông xả một cách tự nhiên mà không phải cố nén giữ trong lòng. Khi chị sinh đứa con đầu lòng, ở cữ bên nhà chồng được 1 tháng, chị đã nôn nóng để sang nhà ngoại. Tất tần tật mọi thứ khác đã có mẹ lo, ăn xong chỉ việc ôm con.

Vậy mà vài đêm mất ngủ vì con quấy chị đã cáu với mẹ. Con chị đến tuổi đi học, bà đưa đón. Đồ ăn hằng ngày, bà nấu sẵn, đi làm về chị chỉ việc ghé qua lấy mang về. Có lần ngày cuối tuần, biết chị thích xôi sắn, mẹ chị dậy sớm lọ mọ nấu rồi bắt xe buýt mang sang. Chị đang ngủ ngon, bị đánh thức vì tiếng chuông cửa nên đã cau có với mẹ rồi ngủ tiếp. Đống chén đũa tối qua ăn xong muộn chị vẫn còn ngâm trong bồn, mẹ chị đã rửa sạch, úp gọn gàng trên giá.

Có lần, em gái chị lớn tiếng: “Với mẹ chồng, chị khéo thế, sao với mẹ mình, hơi một tí không vừa ý là chị cứ dấm da dấm dẳng. Chị bảo thương mẹ nhưng không biết chị để tình thương đó ở đâu?”. Chị giận em gái. Mẹ gọi điện an ủi chị: “Em nó còn trẻ dại, nói năng không suy nghĩ, con đừng để bụng. Mẹ biết 2 đứa đều thương mẹ nhưng mỗi đứa thương một cách khác nhau”.

Những ngày mẹ nằm viện, chị vừa thương mẹ vừa giận mình, nhất là khi nghĩ đến những dòng tâm trạng mẹ đã viết trong cuốn “nhật ký đặc biệt” mà chị đã vô tình đọc được. Chị xin nghỉ phép để có thời gian chăm mẹ nhưng thấy mặt chị, mẹ lại hỏi: “Bệnh của mẹ có nghiêm trọng đâu, ở đây có bác sĩ, y tá, có người nhà bệnh nhân… Cần gì, mẹ nhờ họ giúp. Con về đi làm đi, còn lo cho chồng con nữa, thỉnh thoảng vào với mẹ là được rồi”.

Mặc cho mẹ “đuổi”, chị vẫn dành thời gian để tự tay nấu cho mẹ tô cháo thịt băm, ép cho mẹ ly nước trái cây, ngồi bên giường xoa bóp chân tay khi mẹ mỏi… Những thứ tưởng chừng rất đơn giản vậy mà lâu rồi giữa sự đảm đang, vượt khó của mẹ và những bộn bề lo toan của cuộc sống thường nhật chị đã bỏ quên.  

Theo phụ nữ TPHCM