Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Vợ chồng em cưới nhau 5 năm rồi mà chưa có con. Ba má 2 bên đều sốt ruột, em cũng muốn có con nhưng không biết nói sao với vợ. Em biết các điều kiện của 2 đứa chưa ổn định để có em bé: vợ chồng em vẫn đang thuê nhà, tiền tiết kiệm hầu như không có.

Hồi cưới nhau, tụi em cũng thống nhất từ từ rồi sinh con. Nhưng em biết quan trọng nhất là tính vợ em ưa nhảy việc. Từ hồi cưới nhau tới giờ, cô ấy đã thay đổi 6 chỗ làm. Chỗ hiện tại là chỗ thứ bảy, cô ấy đi làm được 14 tháng, em bắt đầu thấy hơi ổn thì vợ em lại tâm sự là ở công ty, cô ấy bị nhân viên cũ chèn ép, sếp khó tính, giao việc nhiều mà không đánh giá khách quan…

Những điều này em nghe riết thành quen, nghe là biết vợ em đang tính chuyện nhảy việc. Em nói vợ cố gắng trụ lại qua năm, để cuối năm còn có tiền thưởng hay phúc lợi cũng đỡ, chứ bây giờ cuối năm, mình xin qua chỗ mới, thử việc hết 2 tháng, hưởng lương thử việc chứ đâu được đầy đủ lương như chỗ này. Vậy nhưng em cảm giác như vợ em đã quen nhảy việc, không thể ở yên.

Thực chất thì ai đi làm cũng phải mất một thời gian mới quen, mới chấp nhận được chỗ làm. Bản thân em cũng mới tìm được việc từ sau dịch, dù lương không cao nhưng em không dám nghĩ tới chuyện đổi việc vì công việc của vợ em cứ bấp bênh, chẳng biết thế nào mà tính.

Vợ em nhảy việc nhiều quá. Trước đây, người quen cũng giới thiệu chỗ này chỗ khác nhưng cô ấy vô làm một thời gian rồi nghỉ nên riết rồi không ai giới thiệu nữa. Mỗi lần chuyển công việc có khi phải chuyển chỗ ở cho thuận tiện. Chỗ ở cứ thay đổi miết, làm sao tính được chuyện gì.

Em biết bây giờ chuyện “dạy vợ” khó hơn ngày xưa nhưng vẫn muốn tìm cách thay đổi, để cô ấy đừng nhảy việc nữa. Ít nhất là để cô ấy đừng bỏ việc ngay lúc này. Xin chị cho em lời khuyên. 

Ngọc Toàn (TPHCM)

leftcenterrightdel
 

Anh Ngọc Toàn thân mến,

Người trẻ ưa nhảy việc, thêm nữa trào lưu xã hội bây giờ cũng ảnh hưởng nhiều đến quyết định nhảy việc của người trẻ. Anh đang có một người vợ giàu năng lượng và năng lực, đừng nghĩ tới chuyện “dạy vợ” theo kiểu cổ điển ngày xưa, tức là đặt mình đứng trên vợ, dạy bảo vợ tuân theo định kiến xã hội, rằng đàn bà phải an phận, phải chấp nhận, phải chịu đựng, phải thuận thảo… Tất cả những điều đó cũ rồi, nhất là với một người vợ thế hệ Z đời đầu như vợ anh. 

Vợ anh nhảy được 7 công việc trong 5 năm cũng là một thành tích đáng nể. Có thể cô ấy chưa lường được hậu quả nhưng nếu chỉ trích sự “nhảy việc” của vợ, anh có thể phải đương đầu với lòng tự tôn của cô ấy (rõ ràng cô ấy có khả năng mới nhảy được vậy chứ!).

Vậy nên, tốt nhất là anh hãy tìm tiếng nói chung với vợ, ví dụ nghe cô ấy than phiền về chỗ làm hiện tại, cùng tìm hiểu chỗ làm mới mà cô ấy đang muốn “nhảy” qua. Khi cùng vợ tìm hiểu kỹ công việc cô ấy muốn ứng tuyển, anh sẽ thấy ngay điểm nào phù hợp, điểm nào không phù hợp có thể khiến cô ấy tiếp tục “nhảy việc” trong tương lai.

Anh là người hiểu vợ hơn hết, hãy chỉ cho cô ấy điểm mạnh, điểm yếu. Từ đó, anh mới có thể động viên cô ấy cố gắng cải thiện bản thân trong công việc, nếu được thì thử ngay trong công việc hiện tại. Nếu thử nghiệm thành công, có thể cô ấy cũng chẳng cần nhảy việc hoặc có nhảy sang chỗ mới, cô ấy cũng dễ ổn định với công việc mới hơn. 

Đừng coi chuyện chưa sinh con là hậu quả do vợ anh nhảy việc gây ra, nghĩ vậy chưa thực sự công bằng. Anh hãy nói với cô ấy anh muốn có con, nói bằng tất cả tình yêu và sự tôn trọng. Khái niệm “ổn định” cũng tùy thời, tùy người. Nếu chờ ổn định mới có con, chắc nhiều cặp vợ chồng sẽ gặp khủng hoảng. Anh hãy thoải mái bàn với vợ về dự định có con, đó đôi khi lại là liều thuốc hữu hiệu chữa lành căn bệnh “nghiện” nhảy việc của vợ anh.

Chúc vợ chồng anh hạnh phúc, chúc vợ anh tìm được công việc yêu thích và gia đình anh sớm có tin vui.

Hạnh Dung

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC 

Thanh Thảo (Huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long): Người chồng nên tạo chỗ dựa vững chắc cho vợ 

Vợ bạn có xu hướng thích nhảy việc không phải vì bồng bột như bạn nghĩ mà bởi cô ấy thuộc kiểu người khá mạnh mẽ, thích trải nghiệm, liều lĩnh, dám bước ra khỏi vùng an toàn. Bạn hãy ngẫm lại xem sau các lần nhảy việc, có phải công việc và mức thu nhập của vợ bạn đều tốt hơn?

Nhiều người cho rằng cố gắng duy trì công việc đến cuối năm để nhận thưởng là giải pháp tốt nhưng có lẽ vợ bạn đã suy tính. Với bối cảnh kinh tế khó khăn, cộng với thời gian gắn bó công ty chưa lâu, có thể mức thưởng tết của cô ấy sẽ không quá cao so với cơ hội mới. 

Hơn nữa, vợ bạn thích nhảy việc và chưa muốn sinh con có thể còn do mức lương của bạn không quá cao, không đủ đảm bảo kinh tế gia đình để an tâm sinh con, nuôi con. Do đó thay vì tìm cách “dạy vợ”, bạn nên thông cảm, chia sẻ với cô ấy.

Trần Mạnh Hùng (Quận 8, TPHCM): Vợ bạn đang cố tìm ra thứ cô ấy đam mê

Không phải ai cũng đủ can đảm để bước ra khỏi vùng an toàn, từ bỏ công việc đã gắn bó với mình. Vợ bạn nhảy việc là để tìm kiếm công việc mới tốt hơn, có mức lương tốt hơn và để tìm ra đam mê thực sự của chính mình. Thay vì tìm cách “dạy vợ”, bạn và gia đình hãy giúp cô ấy hiểu rõ bản thân có thế mạnh, những giá trị gì mà có thể cô ấy chưa nhìn thấy.

Có thể vợ bạn thích làm một công việc tự do, tự kinh doanh riêng nhưng vì chưa đủ điều kiện nên chưa dám thực hiện. Chỉ có niềm đam mê thực sự mới đủ lực níu giữ vợ bạn ngồi im một chỗ.

Lúc mới cưới, vợ chồng bạn đã thống nhất từ từ sinh con thì bạn nên tuân thủ quy ước đó, đừng vì ba mẹ 2 bên đều sốt ruột mà ép vợ mình phải làm những điều cô ấy chưa thực sự sẵn sàng. Có thể đứa con sẽ làm vợ chồng bạn có thêm động lực kiếm tiền. Ai cũng có thể nuôi con trong khả năng của mình nhưng việc chưa sẵn sàng mà vẫn sinh con sẽ khiến vợ bạn bị stress, tình cảm vợ chồng ngày càng xa cách. 

Theo phụ nữ TPHCM