Chị Hạnh Dung thân mến,
Tôi và vợ tôi lấy nhau được 7 năm, đã có một bé gái 3 tuổi. Lúc đầu, nhìn gia đình vợ, tôi thấy rất đàng hoàng tử tế. Câu chuyện xảy ra lúc tôi bán được căn nhà nên có một ít vốn để mua một cái nhà và lo cho con cái sau này.
Khi biết tin tôi bán được nhà, ba mẹ vợ liền nói vợ cho ba mẹ mượn ít tiền để lo cho đứa em. Vợ tôi có bàn với tôi, nhưng tôi không chịu. Một phần tôi phải mua lại cái nhà khác để vợ chồng sinh sống, một phần để dự trữ lo cho con, đỡ gánh nặng cho ba mẹ.
Vợ tôi vẫn không đồng ý và tự ý lấy tiền gởi về cho ba mẹ mình. Từ đó, chúng tôi liên tục cãi vã. Ba mẹ vợ còn cho rằng tôi bủn xỉn, hẹp hòi, và tìm đủ mọi cách để vợ chồng tôi ly hôn.
Rồi chuyện gì đến cũng đến. Vợ tôi quyết tâm ly hôn, và nói chúng ta hãy sống như người tình. Tôi lạnh người không biết nói gì. Giờ tôi cũng không biết phải xử lý sao. Một phần thương con, một phần vì hạnh phúc gia đình.
Chị Hạnh Dung cho tôi lời khuyên với.
Trần D.D
|
Ảnh minh họa |
Anh Trần D.D thân mến,
Những vấn đề về tiền bạc luôn hết sức phức tạp, và không thể chỉ nghe kể từ một phía mà có thể hiểu, thông cảm hay đưa ra lời khuyên chính xác.
Chỉ ngay từ câu đầu, Hạnh Dung đã thấy giờ đây, chính bản thân anh đang có những suy nghĩ rất xấu về gia đình vợ. Anh cho rằng họ "không đàng hoàng tử tế" như anh nghĩ ban đầu. Tất cả chỉ vì khoản tiền vợ anh tự ý đưa cho ba mẹ mượn.
Từ góc độ của người ngoài, Hạnh Dung cảm thấy băn khoăn chính ở cụm từ "lo cho đứa em". Lo về cái gì? Có hết sức cấp thiết hay không? Và số tiền ba mẹ vợ muốn mượn của anh có quá lớn, đến mức anh không còn gì để mua nhà hay tích lũy không? Và tiền bán căn nhà đó là căn nhà nào? Căn nhà đó có phần đóng góp công sức của vợ anh hay không?
Đánh giá xem mức độ đúng sai của việc anh từ chối hoàn toàn không giúp đỡ, việc vợ anh tự ý lấy tiền đưa cho ba mẹ để lo cho em, còn phải tùy thuộc vào những gì Hạnh Dung vừa hỏi trên. Nếu nó là cấp thiết, nếu nguồn gốc căn nhà có phần đóng góp của vợ anh, thì việc anh khăng khăng làm theo ý mình là hoàn toàn không thỏa đáng. Và đó chính là căn nguyên của đổ vỡ hôm nay.
Trong những vấn đề như thế này, nếu anh khăng khăng từ chối mọi sự giúp đỡ, dù rằng ngoài tiền mua nhà, anh vẫn còn khoản tiền chỉ là để tích lũy, phòng xa, nuôi con... thì quả thật, anh đang đẩy vợ mình vào một thế rất khó với gia đình, bao gồm ba mẹ và em của cô ấy. Có những trường hợp cần thiết, vì tình thân, vì sự lo lắng, quan tâm, yêu thương người thân, người ta phải hy sinh bớt phần lợi ích của mình lại, anh ạ.
Cân nhắc những điều như vậy, Hạnh Dung nghĩ rằng có thể vợ anh đã phải hết sức khó khăn, thậm chí là liều lĩnh khi quyết định tự ý lấy tiền đưa cho ba mẹ. Và khi sự việc đã xảy ra rồi, nếu anh bình tĩnh trò chuyện với vợ, xem xét lại và cùng nhau rút kinh nghiệm mọi việc, chứ không phải là để nó trở thành một lý do cãi vã thường xuyên (việc đó có ích gì?), thì có lẽ sự việc đã không bị đẩy đến mức như thế này.
Giờ đây, khi vợ anh đã yêu cầu ly hôn, ở bờ vực của sự mất cả gia đình, anh có thử cân nhắc lại xem, giữa tiền và cô ấy cũng như gia đình, anh thấy cái nào nặng hơn, cái nào thật sự cần thiết hơn, và nếu được quyết định lại, anh sẽ làm như thế nào, lựa chọn cái nào?
Nếu anh thấy mình đã có phần cứng nhắc quá, không khéo léo trong cách giải quyết vấn đề tế nhị này, thì có thể trò chuyện, tâm sự với vợ, nhìn nhận sai lầm của mình, và mong vợ hiểu vì sao mình làm như thế (cũng là vì lo cho gia đình nhỏ thôi mà).
Anh cũng có thể đề ra những giải pháp để điều chỉnh, giải quyết tốt những vấn đề như thế này hay tương tự thế này, nếu nó xảy ra lần nữa. Và điều quan trọng, anh phải thể hiện không phải anh vì tiền mà không quan tâm đến cảm xúc và sự khó khăn của vợ với gia đình.
Trong trường hợp anh không thấy mình sai, thì anh cũng nên trò chuyện, phân tích những điều đã xảy ra, để vợ anh cũng có cơ hội nói chuyện bình tĩnh với anh, thể hiện quan điểm, suy nghĩ, tình cảm của bản thân cô ấy.
Hạnh Dung xin nhắc lại là trò chuyện, chứ không phải là cãi vã. Trò chuyện để cả hai xích lại gần nhau, thông cảm, nhường nhịn và bỏ qua cho nhau, rút kinh nghiệm cho những vấn đề khác tương tự có thể xảy ra trong cuộc sống. Khi vợ anh đề nghị ly hôn, nhưng lại vẫn là người tình, thì Hạnh Dung thấy ở đó vẫn còn cơ hội hàn gắn gia đình đấy anh ạ.
Một cuộc trò chuyện đầy hiểu biết và lắng nghe có thể giúp anh và vợ sửa chữa được tình huống hay không, là tùy sự sáng suốt, thông cảm, chia sẻ với nhau những vấn đề chung, chứ không phải là hai người hai chiến tuyến và nã sự tự ái vào nhau. Mong là anh chị sẽ làm được điều này.
Theo phụ nữ TPHCM