Vì cuộc sống, tôi phải đi làm xa nhà gần 200km, mười bữa nửa tháng mới về nhà một lần. Để kết nối được thông suốt, tránh xa mặt cách lòng, vợ chồng thỏa thuận sẽ nhắn tin, gọi điện thường xuyên cho nhau để cập nhật tình hình từ 2 phía.

Vợ tôi quán triệt sâu sắc điều đó và thực hiện rất nghiêm túc. Nhất cử nhất động gì của các con, cô đều nhắn cho tôi không sót thứ gì. Có bữa, đang điên đầu với việc xuất - nhập hàng hóa, điện thoại báo có tin nhắn, mở ra thì thấy: “Con bé Cún dạo này hỗn quá sức hỗn”.

Tôi cất máy vào túi quần, lo xử lý công việc tiếp thì tin nhắn lại tới tấp: “Nó vừa cãi mẹ, mẹ điên quá sẽ cho một trận”; “Cún vừa bị mẹ đánh 2 roi rồi, nó vẫn gào lên không chịu nghe lời. Mẹ sẽ không chịu bó tay đâu, hôm nay cho no đòn”… Cứ thế, trận chiến của 2 mẹ con được vợ nhắn liên tục khiến tôi muốn lên tăng xông.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Tôi giao lại việc công ty cho cậu trợ lý, quay ra nhắn vợ: “Em hãy nhìn lại mình. Mình có thế nào thì con nó mới bướng”. Lập tức, vợ quay nòng súng, chuyển từ giận con sang mắng chồng. Cô nã tin nhắn liên tục với ý trách tôi đã không ở nhà lo gần gũi dạy con, cô ấy phải ba đầu sáu tay lo đi làm, nhà cửa, con cái, vậy mà chồng không cảm thông, còn lên lớp dạy đời; rằng nói lý thuyết thì dễ, vô thực hành mới khó; thử ngồi nghe con bé tới tuổi dậy thì nó cãi bướng đi rồi biết có làm hoa hậu thân thiện mãi được không…

Tôi càng phân tích thiệt hơn, cơn giận của vợ càng tăng cao ngùn ngụt, tin nhắn gửi liên tục, từ ngữ mất kiểm soát.

Thời gian đầu, khi đối diện với những trận bốc hỏa kiểu đó của vợ, ruột gan tôi cũng hừng hực như có lửa. Khi bị cô ấy nói xẵng, tôi thậm chí còn lao ra xe lái về nhà ngay trong đêm để… làm cho ra lẽ. Kết quả của những trận khẩu chiến luôn là te be tét bét, vợ giận càng giận hơn; phải mất hàng tuần liền, có khi cả nửa tháng tình hình chiến sự mới tạm yên.

Lần nọ, tôi đang đi gặp đối tác quan trọng bàn hợp đồng, vợ lại thả một tin nhắn: “Cu Bin hôm nay nói dối, lại còn trả treo, anh cứ chiều riết sinh hư. Lần này mẹ sẽ dạy cho ra trò”.

Không muốn sinh chuyện, tôi thả tim qua loa rồi tiếp tục bàn công việc. Vợ nhắn thêm vài câu nữa, tôi hụ hợ phụ họa “ờ, em nói đúng”, “OK ba ủng hộ mẹ”…

Sau đó, vợ không thả “bom tin” như mọi lần. Hôm ấy tiếp khách xong, tận đêm muộn tôi mới về đến nhà trọ. Mở điện thoại, có một tin nhắn của vợ: “Cảm ơn anh đã lắng nghe em. Em kể chuyện nhà là muốn có sự động viên, chia sẻ của chồng. Còn lại em thừa khả năng giải quyết ổn thỏa việc nhà, anh yên tâm nhé”.

Tôi thở phào nhẹ nhõm, phát hiện ra bí quyết để giúp vợ hạ hỏa đơn giản chỉ là lắng nghe và đồng cảm.

Theo phụ nữ TPHCM