leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Rồi bác kể: "Cô và chị dâu tôi cùng mua hàng của tôi. Vậy mà, cô chỉ cần đề xuất yêu cầu, tôi làm theo và chẳng bị phàn nàn gì. Tôi bán hàng ở đây mấy chục năm rồi, ai cũng biết tôi. Nếu không đảm bảo chất lượng, giá cả phải chăng thì tôi làm sao có khách đông như vậy. Vậy mà ngay cả chị em trong nhà như chị dâu của tôi, mỗi lần chị ấy mua hàng là tôi lại thấy bực mình. Chị ấy cứ nâng lên đặt xuống, chê thịt thế nọ thế kia, mục đích cuối cùng chỉ muốn "dìm" giá. Nếu như gia đình chị ấy khó khăn thì chẳng nói làm gì. Đằng này, chị ấy khá giả hơn tất cả anh chị em trong nhà".

Thấy tôi không nói gì, bác kể tiếp, bố mẹ bác có 4 người con. Anh trai bác là con cả, kế tiếp là bác, em gái và em trai bác. Khu vực bác ở là quận mới, khi xã chưa lên phường, đất thổ cư rộng rãi, xung quanh có cả ao hồ. Bố mẹ bác khi mất đi, phần lớn đất thổ cư để lại cho con trai cả làm nơi hương hỏa và làm chỗ đi về của anh em, con cháu trong gia đình. Chỉ còn một phần rất nhỏ chia cho con trai út. Còn hai cô con gái thì tay không đi lấy chồng. Vì còn nhỏ nên bác, cô em gái và cậu em trai không có ý kiến gì. Ai cũng có chung ý nghĩ: Sau này, mảnh đất hương hỏa có chỗ quây quần cho con cháu là vui rồi.

Vậy mà, khi chị dâu bước chân vào gia đình, mọi thứ đều thay đổi. Chị ngay lập tức làm lại sổ đỏ để ghi tên mình vào trong sổ. Khi xã được lên phường, khu công nghiệp được mở ngay tại gần nhà anh chị cả, chị dâu mang sổ đỏ ra thế chấp vay tiền ngân hàng xây phòng trọ cho công nhân thuê. Lúc đầu chỉ vài phòng, sau đó là hơn hai chục phòng, bình quân mỗi tháng chị thu về 4-5 chục triệu đồng. Có tiền, chị có điều kiện cho con học hành đến nơi đến chốn. Ra trường, các con chị đều có việc làm, thu nhập ổn định.

Gia đình anh chị cả ngày càng có của ăn của để, trong khi các em làm quần quật cũng chỉ đủ ăn. Thế nhưng, mỗi lần giỗ bố mẹ, chị dâu chia đều và yêu cầu tất cả anh chị em đóng góp. Tất nhiên là chẳng ai đến không bao giờ vì mỗi người con đều nhận thấy trách nhiệm và muốn dâng đồ lễ lên cha mẹ mình đủ đầy. Mặc dù luôn cố gắng đóng góp dư dả so với thực lực nhưng mỗi lần nhìn thấy mâm cơm cúng sơ sài, chị em bác lại cảm thấy chạnh lòng. Khi bưng mâm cơm ra, biết rõ bụng mọi người còn réo gọi, chị dâu chẳng hề bận tâm. Cuối buổi, bao nhiêu thực phẩm chưa sử dụng đến, chị dâu gói lại cho các con mình mang về.

Bác còn bảo, chị dâu đã keo kiệt, lại còn hay hứa hão khiến các cháu nhiều phen phát tức. Có lần, chị dâu nhờ con bác chở đi có việc vào sáng sớm, chị dâu hứa sẽ chiêu đãi cháu bát phở thật ngon cho đỡ đói lòng. Nhưng khi đi đến quán phở, chị dâu giả vờ buồn ngủ để đến khi đi qua một đoạn xa mới giật mình tỉnh dậy, thảng thốt nói: "Bác cháu mình lỡ mất món phở ngon rồi, để dịp khác vậy".

Hay có hôm, nhìn thấy con của bác đang mua hoa ở ven đường, chị dâu vồn vã hỏi và bảo cháu cứ chọn hoa thật đẹp và thoải mái, bác sẽ trả tiền. Đến khi con bác chọn gần xong thì bỗng nhiên bác dâu bước nhanh sang đường, cười nói rõ to với cô hàng rau gần đó, dường như cả thế kỷ họ mới được gặp nhau. Hỏi ra mới biết, cô hàng rau đó và chị dâu bác chẳng hề quen biết, chẳng qua là chị dâu bác cố tình lảng tránh việc trả tiền như đã hứa.

Còn nhiều chuyện tương tự nhưng gia đình bác chỉ còn biết ngậm ngùi: Cũng vì tư tưởng phong kiến mà bố mẹ bác đã trao nhầm cơ hội cho người con dâu trưởng không xứng đáng.

Cẩm Hà