Tôi lấy chồng năm 33 tuổi. Chồng tôi ở rể. Khi tôi gây nợ, phải lấy vàng cưới để trả thì anh về nhà anh sống, rồi mua xe.
Đến lúc tôi có thai, anh quay về nhà tôi sống cho đến khi thai 6 tháng thì anh bị mẹ tôi mắng nên lại xin đi. Anh vẫn đưa đón tôi đi khám thai, vào bệnh viện chăm sóc khi tôi sinh con. Ra viện, tôi ở cữ nhà mẹ đẻ.
Khi con cứng cáp thì cứ cuối tuần anh lại đón mẹ con tôi về nhà trọ anh ở. Anh đã đổi chỗ trọ mấy lần để phù hợp cho mẹ con tôi đến chơi, ở lại.
Mới đây, vì con bệnh nên tôi không theo anh về nhà trọ vào thứ Bảy như mọi tuần. Đến sáng Chủ nhật, anh đến đón thì vợ chồng cãi nhau rất to. Tôi lại bỏ về nhà mẹ. Anh đem hết đồ của tôi về nhà mẹ tôi rồi đòi ly hôn.
Nói về chồng tôi, anh rất cố gắng để gần vợ con, trong khi tôi chưa từng nấu cho anh bữa ăn nào.
Thực sự chuyện anh đòi ly hôn không khiến tôi đau đầu bằng áp lực khi đứng giữa chồng và mẹ. Mẹ tôi nhiều lần la mắng khiến chồng tôi phải bỏ đi. Lần này, khi chồng tôi đòi ly hôn, mẹ tôi nói nếu tôi còn đi theo chồng thì mẹ không cho quay về nhà nữa.
H.A. (TPHCM)
H.A. mến,
Thư bạn không nêu rõ nên Hạnh Dung không thật hiểu về trục trặc của vợ chồng bạn. Ngoài vấn đề với mẹ vợ và trục trặc với khoản nợ năm xưa của bạn thì vợ chồng bạn có hòa hợp với nhau không?
Trong những lúc cơm lành canh ngọt, vợ chồng có dự tính gì cho tương lai không? Phản ứng đòi ly hôn của chồng, theo bạn hiểu, là hành vi bộc phát hay là quyết định đã tích tụ từ nhiều vấn đề trước đây?
Rất nhiều điều cần làm sáng tỏ để có thể hiểu hoàn cảnh của vợ chồng bạn lúc này. Nhưng dựa vào thông tin hiện có, với câu hỏi “làm sao giữa bên tình và bên hiếu”, Hạnh Dung xin đề xuất một cách nhìn để bạn có thể cân nhắc và lựa chọn.
Trước hết, cần xác định xem những bức xúc của mẹ với chồng bạn xuất phát từ đâu. Chồng bạn có thực sự xứng đáng bị từ bỏ như ý của mẹ bạn, hay đó chỉ là cảm xúc và quan điểm của riêng mẹ?
Nếu bạn vẫn nhìn thấy ở chồng những điểm tốt mà bạn muốn gắn bó, hãy tạm thời đặt những yêu cầu của mẹ sang một bên. Nếu nói về tình thân, về chữ hiếu thì chồng cũng là cha ruột của con bạn - mối quan hệ đó cũng nặng ruột rà không kém mối quan hệ giữa bạn và mẹ. Như vậy, ta không thể nhân danh tình thân hay chữ hiếu để vì một bên mà bỏ bên kia.
Điều quan trọng nhất lúc này là bạn cần suy nghĩ nghiêm túc về mối quan hệ vợ chồng. Bạn và chồng, mỗi người đã có những thiếu sót gì dẫn đến tình cảnh hiện tại?
Theo như bạn kể, vì bạn gây nợ mà chồng bạn rời khỏi nhà. Quyết định này có thể do những buồn bực nhất thời không thể giải quyết, nhất là khi sống chung trong không khí ngột ngạt với nhà vợ. Nhưng quan trọng là sau đó, thái độ của anh với lỗi lầm của vợ thế nào.
Theo lời bạn, chồng vẫn rất trách nhiệm với vợ con, vẫn rất nỗ lực để giữ mối gắn bó gia đình. Nếu quả thực anh là người trách nhiệm và yêu thương vợ con, bạn hãy tự hỏi: giữa những khó khăn, nỗ lực của chồng, bạn đã làm gì để cùng anh gìn giữ gia đình?
Nếu chưa từng nỗ lực thì bây giờ, bạn có thực sự muốn xây dựng hạnh phúc với người đàn ông này? Nếu câu trả lời là có thì hãy tìm cách vun vén và vượt qua những rào cản, tránh tình trạng một bên cứ nỗ lực, còn một bên chỉ do dự, cân nhắc và không hành động gì cả.
Trước mắt, hãy giải quyết mâu thuẫn của vợ chồng bạn. Nếu việc đòi ly hôn chỉ là do nóng giận tức thời, thì bạn hãy mở lời hóa giải. Sau đó, hãy cùng bàn về kế hoạch tương lai của 2 vợ chồng.
2 bạn có thể tính đến chuyện về sống cùng nhau, tránh dựa cậy gia đình, để tránh cho ba mẹ những phiền muộn không đáng có về hôn nhân của bạn, cũng là để bạn độc lập, trách nhiệm hơn với hôn nhân của chính mình.
Khi bạn có được bản lĩnh đó, mẹ bạn cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc hiểu và tin tưởng các quyết định của bạn. Chúc bạn hạnh phúc.
Theo phụ nữ TPHCM