Xách vali ra thuê phòng trọ sau 4 tháng làm Osin cho chị chồng
Cập nhật lúc 09:05, Thứ năm, 04/05/2023 (GMT+7)
Mấy tháng nay nhà năm người không tính em bé mà chỉ có vợ chồng Thùy có lương. Chưa kể chị Hai ăn một thực đơn, mẹ chồng một thực đơn khác.
Yêu nhau 3 năm, vợ chồng Thùy mới về chung nhà. Nói đúng ra phải là 3 người về chung nhà, vì ngay ngày cưới, chồng Thùy đã đón mẹ anh từ quê vào ở cùng.
Nhà có 2 phòng ngủ nên cô thấy sinh hoạt không có gì bất tiện. Thùy là người dễ chịu, khi mẹ chồng không cho làm cái này, không được ăn món kia, cô đều chấp nhận, vì nghĩ mẹ nhiều kinh nghiệm và nghe lời mẹ để nhà cửa được yên ổn.
Nhà ở căn góc, nên ban công rộng, Thùy tính trồng ít hoa cỏ và lắp cái bàn xếp để ngồi uống trà ngắm cảnh, mẹ chồng gạt phắt, đòi trồng rau. Bà đòi con trai đục tường kéo vòi nước từ nhà tắm ra ban công cho bà trồng rau. Chồng nháy Thùy: “Để mẹ có việc làm, miễn mẹ vui là được!”
|
|
Để mẹ có việc làm, miễn mẹ vui là được (Ảnh minh họa) |
Chị chồng vào thành phố sinh em bé, bé không khỏe lắm nên cần phải theo dõi một thời gian. Không biết mẹ chồng và chồng Thùy bàn bạc sao mà một chiều đi làm về, cô thấy vợ chồng chị Hai đã ở trong phòng ngủ của mình. Hai vợ chồng cô dọn ra ngoài phòng khách với tấm nệm gấp, những chai lọ mỹ phẩm của cô được chuyển ra trong túi nylon.
Chồng cô giải thích, em bé cần yên tĩnh nên vợ chồng nhường phòng cho anh chị Hai. Thùy nói sao không dùng phòng của mẹ thì anh cáu: “Phòng đó mẹ đang ở, chẳng lẽ đuổi mẹ ra?”. Anh còn bực bội nói thêm: “Với lại phòng đó không có máy lạnh, cháu nó làm sao chịu được? Em đi kèn cựa cả với đứa trẻ sơ sinh hay sao?”
Thùy vừa phải đi mua tạm cái tủ vải đặt giữa nhà để đựng quần áo, đồ dùng cá nhâ... Nghe chồng nói mình kèm cựa với em bé sơ sinh, Thùy ngẩng mặt cười, vì chỉ cần cúi mặt là nước mắt sẽ trào ra không kìm được.
Từ ngày ra phòng khách, không đêm nào cô ngủ ngon, vì không có cảm giác riêng tư. Ban đêm em bé phải uống sữa, anh rể lại ra đun nước, súc bình sữa. Đi ngủ mà Thùy luôn phải mặc những bộ đồ dài tay kín đáo.
Ban đầu chị Hai đưa tiền chợ, chồng Thùy gạt đi, nói mình lo được. Lo 5 bữa 10 ngày thì không sao, nhưng đến nay đã gần 3 tháng rồi, tháng nào cô cùng dùng hết tiền lương, phải lấy thêm tiền tiết kiệm ra dùng, cô không biết mình còn gồng được bao lâu.
Trong bữa cơm chiều, anh chị Hai nói có lẽ anh chị sẽ ở lại lâu dài để chữa bệnh cho con. Mẹ chồng và chồng Thùy hồ hởi mừng rỡ vì cả nhà được bên nhau.
“Ăn thì tốn chứ ở thì hết bao nhiêu”, mẹ chồng vui vẻ. Thùy gảy những hạt cơm đắng nghét, liếc nhìn tấm nệm gấp ở ngoài phòng khách, ban ngày là tấm trải cho em bé nằm, ban đêm là tổ ấm của Thùy. Cuối tuần Thùy ở nhà cũng không có được giấc ngủ trưa vì cô không dám nằm giữa nhà, chỉ có chị Hai thì không sao, mà còn anh rể…
Mấy lần Thùy nói chồng bàn với mẹ xem có nên thuê nhà cho anh chị Hai ở không. Trong khu chung cư có nhiều căn hộ, nội thất đầy đủ cho thuê chưa tới chục triệu một tháng, anh chị Hai ở riêng cho thoải mái. Em bé được gần 4 tháng, anh Hai cũng nên tìm việc làm để có đồng ra đồng vào, thân dài vai rộng mà suốt ngày ở nhà ăn và ngủ.
Mấy tháng nay, nhà 5 người, chưa tính em bé, mà chỉ có vợ chồng Thùy có lương, như vậy thì của núi cũng hết. Chưa kể chị Hai ăn một thực đơn, mẹ chồng ăn một thực đơn khác. Một bữa Thùy phải nấu 3 thực đơn khác nhau. Em bé đi bệnh viện tiền taxi cũng là cô chi.
Nhưng chồng Thùy gạt đi, nói nhà đang yên, nói tới nói lui khéo mẹ giận lại đổ bệnh. Thùy gắt: “Vậy thì từ mai anh tự chợ búa cơm nước, em mệt rồi!”.
|
|
Chồng cho rằng cô ích kỷ khi ganh tỵ với mẹ chồng và bé sơ sinh (Ảnh minh họa) |
Chồng Thùy nói Thùy ích kỷ: “Chưa bao giờ cô coi mẹ tôi, anh chị tôi là người thân, nên mới tính toán thế!”. Thùy nhỏ nhẹ: “Vậy anh đã coi em là người thân chưa? Đi làm về em lại lăn ra chăm sóc mọi người, ngày nào cũng 10 giờ đêm mới làm xong việc nhà, anh xem có Osin nào nhiệt tình chăm chỉ vậy chưa? Nếu anh nghĩ em tính toán, ích kỷ vậy thì em xin nhận!”.
Buổi sáng đi làm, Thùy kéo theo vali, cô quyết định ra ngoài ở trọ tạm một thời gian. Ở nhà thì cũng là ở trọ đó thôi, mà lại không một phút nghỉ ngơi, thoải mái. Cô không buồn với mẹ chồng hay tính toán với vợ chồng chị Hai, nhưng mọi người, nhất là chồng, phải hiểu cho cô chứ. Vấn đề không lớn, hoàn toàn có thể giải quyết nhưng cứ anh thích được tiếng thơm là “cưu mang cả nhà”. Thương yêu người nhà không phải là bảo bọc khiến người ta dựa dẫm, ỷ lại, không có ý chí, không thèm cố gắng. Thương kiểu đó bằng 10 ghét nhau.
Theo phụ nữ TPHCM